Thậm chí, Fei Li sẵn sàng trả 35 Nhân dân tệ (5 USD) để xem lại bộ phim này lần thứ hai cùng gia đình. Không riêng Li, 10 triệu người dân Trung Quốc khác cũng có thú vui giải trí tương tự trong dịp nghỉ lễ: đi xem phim.
Tính tới thời điểm hiện tại, “Mỹ nhân ngư” đang trở thành bộ phim có mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay của điện ảnh Trung Quốc. Kể từ khi công chiếu vào 8/2, “Mỹ nhân ngư” đã thu về hơn 440 triệu USD tiền vé, vượt qua các đỉnh cao trước đó như “Truy lùng quái yêu” và “Fast & Furious 7” của Hollywood.
Trong khi thị trường phim Mỹ đang có dấu hiệu chững lại thì thị trường Trung Quốc luôn duy trì được đà tăng mạnh mẽ. Năm 2015, doanh thu phòng vé của Trung Quốc đạt 6,8 tỷ USD, tăng 49% so với năm trước đó, theo số liệu từ hãng nghiên cứu Arrtisan Gateway.
Marc Ganis, đồng sáng lập Jiaflix Enterprises, công ty chuyên lựa chọn và phân bổ các bộ phim tại Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi nhận ra rằng công tác chuyên môn của các bộ phim ngày càng tốt hơn trước và khán giả Trung Quốc đang phản ứng tích cực trước điều này. Tất nhiên các “bom tấn” Hollywood luôn có sức hấp dẫn cực lớn, rất nhiều người Trung Quốc sẵn sàng tới rạp xem và chấp nhận đọc phụ đề. Bây giờ, họ không cần phải như vậy nữa”.
Sự thành công mới nhất của “Mỹ nhân ngư”, một bộ phim sản xuất hoàn toàn tại Trung Quốc, là dấu hiệu cho thấy sự cân bằng sức mạnh giữa ngành công nghiệp phim tại Đại lục với “đế chế” Hollywood hùng mạnh. Thị trường phim ảnh của Trung Quốc đang có tốc độ phát triển nhanh chóng, với mức tăng trưởng trong những năm gần đây lên tới 34% mỗi năm.
Trong tháng 2/2016, Trung Quốc đã phá vỡ kỷ lục phòng vé toàn cầu với doanh thu trong một tuần đạt 557 triệu USD, kể từ ngày 8 – 14/2, tất cả đều là các bộ phim nội địa, bởi hoạt động nhập khẩu phim không thực hiện trong suốt kỳ nghỉ lễ này, EntGroup cho biết. Con số này đã vượt qua mức 534,7 triệu USD được thiết lập bởi nước Mỹ vào cuối tháng 12/2015. Các chuyên gia trong ngành công nghiệp điện ảnh nhận định, với tốc độ tăng trưởng như vậy, Trung Quốc sẽ vượt qua doanh thu phòng vé thường niên của Mỹ vào đầu năm 2017.
“Khán giả Trung Quốc ngày nay có một ngân sách lớn hơn dành cho giải trí, có hàng tá phim nội địa hoàn toàn có thể so sánh với ‘bom tấn’ Hollywood cả về kỹ xảo đặc biệt và nội dung phim, chưa kể đó đều là những câu chuyện gần gũi hơn với cuộc sống của họ”, Jonathan Papish, chuyên gia nghiên cứu tại BoxOffice.com cho biết.
Trong khi thị trường phim Mỹ đang có dấu hiệu chững lại thì thị trường Trung Quốc luôn duy trì được đà tăng mạnh mẽ. Năm 2015, doanh thu phòng vé của Trung Quốc đạt 6,8 tỷ USD, tăng 49% so với năm trước đó, theo số liệu từ hãng nghiên cứu Arrtisan Gateway.
Trong khi đó, nhờ doanh thu từ Star Wars, doanh thu phòng vé Bắc Mỹ và Canada trong năm 2015 mới tăng lên mức 11,1 tỷ USD. Tuy nhiên, doanh thu tại khu vực này đã giảm 2% từ năm 2010 tới năm 2014, xuống còn 10,4 tỷ USD, theo số liệu của Hiệp hội Phim ảnh Mỹ.
Trung Quốc giới hạn nhập khẩu tối đa 34 phim Mỹ mỗi năm. Thị trường phim của Trung Quốc được quản lý bởi 2 thực thế, đó là SAPPRFT, cơ quan quản lý báo chí, xuất bản, radio, phim và chương trình truyền hình và China Film Group, đơn vị phụ trách lựa chọn phim nhập khẩu, thiết lập ngày giờ công chiếu và quyết định số phòng chiếu. Trung Quốc có tổng cộng 31.630 phòng chiếu phim, tăng 8.035 phòng so với năm ngoái.
Kể từ năm 2012, thị phần phim của Hollywood tại Trung Quốc đã giảm từ 49% xuống còn 32%, EntGroup cho biết.
Chính bởi vậy, Hollywood đang tìm kiếm cách để gia tăng sức mạnh tại Trung Quốc nhằm hưởng lợi từ thị trường phát triển nhanh chóng này. Các nhà làm phim, bao gồm Universal Pictures và Warner Bros đều đang có quan hệ đối tác với các nhà làm phim, công ty truyền thông Trung Quốc nhằm thu về lượng khán giả và doanh thu lớn hơn.
Các công ty Trung Quốc cũng đang thúc đẩy hoạt động đầu tư tại Hollywood. Perfect World Pictures, studio của Trung Quốc vào giữa tháng 2 đã công bố dành hơn 250 triệu USD cho 50 bộ phim được sản xuất trong 5 năm tới bởi Comcast’s Universal Pictures, nhà sản xuất bộ phim “Fast & Furious 7”. Trong tháng 1, tỷ phú Wang Jianlin, Chủ tịch tập đoàn Dalian Wanda Group đã trở thành người Trung Quốc đầu tiên sở hữu một công ty sản xuất phim Hollywood sau khi mua lại Legendary Entertainment, nhà đồng sản xuất bộ phim Jurassis World.
Hollywood và Trung Quốc đang ngày càng thân thiết hơn với nhau. Trong tương lai, các đạo diễn phim Trung Quốc sẽ làm những bộ phim có kinh phí lớn bằng tiếng Anh phục vụ khán giả toàn cầu, Jonah Greenberg, người đứng đầu Cơ quan Nghệ sĩ sáng tạo tại Trung Quốc cho biết. Rất nhiều chuyên gia Hollywood cho rằng, ngành công nghiệp điện ảnh đang vươn lên mạnh mẽ tại Trung Quốc có thể dễ dàng xóa bỏ tình trạng cần nhập khẩu phim từ nước ngoài.