Nông dân thu hoạch cà phê ở Vân Nam (Trung Quốc). Ảnh: AFP
Hàng chục chuyên gia quốc tế đứng quanh một chiếc bàn gỗ dài. Họ dừng lại bên mỗi tách cà phê rồi chậm rãi đưa lên mũi ngửi và nếm thử. Cô Yang Fan, một nông dân trồng cà phê đang hồi hợp chờ đợi những đánh giá về sản phẩm mới nhất của mình.
"Đây là sự kiện đánh giá cà phê quốc tế lớn nhất mà chúng tôi từng có", ông Samuel Gurel - CEO nhà máy rang xay cà phê Torch Coffee ở Phổ Nhĩ, Vân Nam (Trung Quốc) cho biết.
Sự kiện quy tụ hàng loạt chuyên gia về cà phê đến từ Thái Lan, Guatemala, Ấn Độ, Nga, Việt Nam, Lào, Philippines, Kenya và nhiều quốc gia khác. Họ cùng nhau đánh giá chất lượng cà phê của Trung Quốc trong 'Triển lãm cà phê đặc sản quốc tế Phổ Nhĩ', diễn ra vào cuối tháng 1 vừa qua.
"Cà phê của Vân Nam có hương vị rất thanh lịch, không bị chua và công đoạn chế biến sau thu hoạch tạo ra hương vị đặc biệt. Nó có cả hương vị của bơ và dâu tây", ông Srikanth Rao, chuyên gia hãng cà phê Bayar ở Bangalore (Ấn Độ) nhận xét.
Phổ Nhĩ vốn là thủ phủ trồng trà. Thị trấn này bao quanh bởi những đồn điền trà mấp mô trên đồi núi. Nơi đây khá gần biên giới với Lào và là nơi sinh ra loại trà tinh túy nhất Trung Quốc.
Nhưng khí hậu Phổ Nhĩ cũng rất phù hợp với cây cà phê. Vân Nam chiếm 95% sản lượng cà phê Trung Quốc. Và vùng này chiếm một nửa sản lượng cà phê tỉnh này.
Thế hệ trẻ Trung Quốc dần bước ra khỏi văn hóa uống trà truyền thống nên cà phê đang là lựa chọn thịnh hành. Nông dân Phổ Nhĩ vì thế đáp ứng ngay nhu cầu của họ. Hiện tại, Trung Quốc là nước sản xuất cà phê lớn thứ 13 thế giới. Cách đây ba thập niên, sản lượng cà phê của nước này là 0 và nay tăng dần lên 110.000 tấn mỗi năm.
"Tôi từng trồng cam quýt nhưng có nhiều dịch bệnh gây hại. Vì vậy, tôi chuyển sang cà phê. Chúng không có bệnh gì nghiêm trọng và năng suất ổn định", Huang Dabao, một nông dân 51 tuổi nói.
Vào tháng 4, Trung Quốc sẽ được giới thiệu như một quốc gia sản xuất cà phê nổi bật tại Triển lãm cà phê đặc sản Seattle (Mỹ). Trước đó, Starbucks cũng đã tung ra dòng cà phê Vân Nam sau 4 năm hợp tác cùng nông dân tỉnh này.
"Cà phê có tiềm năng to lớn tại Trung Quốc. Thế hệ trẻ thích uống cà phê trong văn phòng nhiều hơn trà", Liu Ying - người từng bỏ công việc ngành đầu tư tại Bắc Kinh để về Phổ Nhĩ trồng cà phê cách đây 5 năm, nói.
Thực tế, cây cà phê được mang đến nước này đã một thế kỷ, bởi những nhà truyền giáo người Pháp, với nhu cầu tiêu dùng cá nhân.
Trong khi đó, cà phê thương mại chính thức bắt đầu từ 30 năm trước, khi chính phủ Trung Quốc mời gọi Nestlé đến đầu tư nhà máy và phát triển vùng trồng cà phê cho Vân Nam, nhằm xóa đói giảm nghèo cho những người dân tộc thiểu số.
Vấn đề ở chỗ, giá cà phê toàn cầu đang thấp kỷ lục. Đầu tháng 4, giá cá phê tại Trung Quốc chỉ ở mức 14 nhân dân tệ (khoảng 2,2 USD) mỗi kg trong khi vài năm trước là 40 nhân dân tệ (khoảng 6,3 USD). Với chi phí sản xuất 17-19 nhân dân tệ mỗi ký, hầu hết nông dân đang trữ lại để "chờ thời".
Trong khi đó, những người nhanh nhạy quyết định chủ động làm khác đi. "Với giá cà phê hiện tại, tôi thậm chí không thể nuôi nổi gia đình. Cách duy nhất của tôi là sản xuất cà phê đặc sản, làm ra loại cà phê tốt nhất", cô Yang Fan nói.
Với cách này, những nông dân như cô Yang có thể bán cà phê của mình với giá 50 nhân dân tệ (khoảng 7,9 USD) mỗi kg một cách ổn định. Tuy nhiên, rủi ro ở chỗ, chi phí sản xuất và công chăm sóc cũng tăng theo.
"Chế biến sau thu hoạch là cách hiệu quả nhất và nhanh nhất để tác động đến chất lượng cà phê và cũng như giá cả", Marty Pollack - Giám đốc kinh doanh của Torch nói thêm.
Trở lại phòng thử cà phê, Yang Fan vẫn đang hồi hộp nghe nhận xét, không khác gì chờ nghe "tuyên án".
"Nếu tôi nói rằng đây là cà phê Colombia hay Panama thì cũng không ai dám cãi. Đây là một ví dụ tuyệt vời về cách mà cà phê Trung Quốc đang phát triển", câu nói của vị chuyên gia người Ấn Độ khiến Yang Fan không thể giấu được một nụ cười rất sảng khoái.