Chắc chắn thế, Charlene Chu, người cho đến gần đây vẫn là chuyên gia phân tích hàng đầu của Fitch tại Bắc Kinh, khẳng định. Bà Chu đã bạo gan đề cập đến một khu vực mà Trung Quốc đang cố gắng tránh xa các ranh giới: hệ thống ngân hàng trong bóng tối rộng lớn của nước này.
“Lĩnh vực ngân hàng của Trung Quốc đã mở rộng dư nợ từ 14 đến 15 nghìn tỷ USD trong vòng 5 năm qua”, bà Chu, hiện đang làm việc cho hãng nghiên cứu độc lập Autonomous Research nói với Telegraph. “Chẳng có cách nào thoát được các vấn đề lớn ở Trung Quốc. Và chúng có thể khởi phát một sự đổ vỡ toàn cầu”.
Quá trình “vượt cạn” của Hy Lạp có thể còn tiếp tục gây lo lắng cho thế giới, nhưng nền kinh tế 249 tỷ USD của nước này chỉ xấp xỉ số lẻ của nền kinh tế 8.200 tỷ USD của Trung Quốc. Một ví dụ khác cho thấy quy mô và tầm ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc, đó là, tháng 12/2005, Trung Quốc tuyên bố sản lượng của mình đã tăng trưởng ngoài dự đoán với 285 tỷ USD có thêm. Con số này lớn hơn cả quy mô nền kinh tế Singapore khi đó, điều mà các chuyên gia thống kê chưa từng nghĩ đến. Còn với quy mô như hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc, nếu đổ vỡ, sẽ biến sự kiện sụp đổ Lehman Brothers hồi năm 2008 thành chỉ như một sự điều chỉnh của thị trường.
Bà Chu cho rằng, hậu quả của cuộc đổ vỡ nói trên, mà theo bà là hoàn toàn có thể xảy ra, là chấm dứt sự gượng dậy của Nhật Bản, đóng sập các nền kinh tế từ Hàn Quốc tới Việt Nam, tấn công dữ dội các thị trường chứng khoán và hàng hóa trên khắp thế giới, buộc Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngừng quá trình cắt giảm gói kích thích và thúc giục Ủy ban An ninh quốc gia Mỹ họp khẩn cấp.
Đó cũng là viễn cảnh mà Bill Gross đề cập đến trong một cuộc phỏng vấn trên Truyền hình Bloomberg về những rủi ro tiềm tàng mà nền kinh tế Trung Quốc có thể mang đến. “Không ai biết ở đó có gì ngoài… một mẩu xúc xích”, Gross nói về hệ thống tài chính của Trung Quốc hôm 4/2. “Vì vậy, chúng ta sẽ phải tự đoán định về các vấn đề tiềm tàng của nước này và các thị trường mới nổi khác trong cả năm nay”.
Bình luận của Gross khớp với miêu tả của nhà quản lý quỹ đầu cơ Jim Chanos về nền kinh tế Trung Quốc, rằng nền kinh tế lớn thứ hai này như đang ở trên một “cối xay địa ngục” với tăng trưởng được dẫn dắt bởi “ma túy” bất động sản. Nhưng có một điều đáng lo ngại là, ngay cả các nhà quan sát Trung Quốc thông minh nhất cũng không thể nắm bắt được chân tướng của câu chuyện. Trung Quốc đang làm hết sức để ngăn cản các con mắt tọc mạch của giới truyền thông - cả trong và ngoài nước - soi vào các nhóm môi giới quyền lực trong Đảng Cộng sản, hoạt động ngân hàng trong bóng tối và các doanh nghiệp nhà nước, những nguồn nuôi dưỡng tham nhũng và chống lại cải cách.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể chậm lại còn 7,4% trong năm nay, một điều đã được nhìn thấy trước, khi Chủ tịch Tập Cận Bình bắt tay vào tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu ông Tập thực sự thay đổi mô hình tăng trưởng, vốn dựa vào đầu tư và xuất khẩu, tăng trưởng sẽ chỉ còn 5% chứ không phải trên 7%. Do một sự suy giảm tăng trưởng như vậy có thể khích động bất ổn xã hội, Trung Quốc sẽ không mạo hiểm đảo lộn nền kinh tế trong một sớm một chiều. Tăng trưởng càng nhanh thì càng khó để cơ cấu lại nền kinh tế. Nhưng nếu tăng trưởng càng được giữ ở mức trên 7% lâu thì càng có thêm các hoạt động đi vay và cho vay quá đà. Nói cách khác, hệ thống ngân hàng trong bóng tối sẽ vẫn mở rộng.
Vấn đề ở đây, và là thứ kết nối những lo lắng của bà Chu với Gross và Chanos là, Trung Quốc càng trì hoãn cải cách lâu thì đau đớn khi cải cách càng lớn. Nếu xét trên bình diện nền kinh tế, Trung Quốc rõ ràng là quá lớn để đổ vỡ. Nhưng câu hỏi thực sự là liệu hệ thống ngân hàng thiếu minh bạch của nó rốt cục có quá lớn để cứu vãn.
Trung Quốc đã tránh được cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008. Nước này đã tự cách ly mình bằng cách thả cửa cho tín dụng và cho phép các ngân hàng được huy động hàng núi tiền từ nước ngoài, chủ yếu bằng USD. Ở một khía cạnh nào đó, Trung Quốc đang lặp lại trường hợp bùng nổ tín dụng của Nhật Bản hồi những năm 1980, hay Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan năm 1997.