Ảnh Internet
Trên thực tế, Trung Quốc đã mở rộng đáng kể khả năng tiếp cận nước ngoài đối với thị trường chứng khoán nội địa những năm gần đây, song quá trình tự do hóa thị trường trái phiếu trong nước (được đánh giá có quy mô lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Nhật Bản) vẫn diễn biến chậm chạp.
Các nhà kinh tế cho rằng, sự nới lỏng hạn chế trong đầu tư trái phiếu là cực kỳ quan trọng nếu Trung Quốc muốn thuyết phục các nhà đầu tư quốc tế tích trữ những khoản tiền tiết kiệm và danh mục đầu tư của mình bằng đồng nhân dân tệ (RMB), bởi các thể chế tài chính lớn trên thế giới như các ngân hàng trung ương, quỹ đầu tư chủ quyền, quỹ bảo hiểm và lương hưu thường chỉ có danh mục đầu tư tập trung hướng tới nguồn thu nhập cố định, ví dụ như trái phiếu.
Việc mở rộng thị trường trái phiếu trong nước được Bắc Kinh đưa ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại và lãi suất trong nước thấp khiến nguồn vốn đáng kể chảy ra bên ngoài. Vì vậy, tăng cường đầu tư thị trường trái phiếu nội địa là công cụ để giúp phòng vệ hiệu quả hơn.
Theo ngân hàng Standard Chartered, đã có trên 50 ngân hàng trung ương tích trữ một số lượng trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ trong nguồn dự trữ ngoại hối của mình, trong đó có trái phiếu giao dịch tại Đặc khu hành chính Hong Kong, một thị trường không yêu cầu các thể chế tài chính phải có đơn cấp phép từ Bắc Kinh.
Ước tính, cho tới cuối tháng 3 vừa qua, các định chế tài chính nước ngoài nắm giữ lượng trái phiếu liên ngân hàng trị giá 579 tỷ RMB (93 tỷ USD), tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã ban hành những quy định cho phép các định chế tài chính tiếp cận thị trường trái phiếu liên ngân hàng, nơi có trên 90% trái phiếu nội địa Trung Quốc được giao dịch.
Điều này đã tạo ra bước mở màn cho hàng trăm định chế tài chính quốc tế được cấp phép trong chương trình có tên gọi “Nhà đầu tư nước ngoài đủ điều kiện” (QFII). Hạn ngạch đầu tư trái phiếu đã được dỡ bỏ, song Bắc Kinh không tiết lộ con số cụ thể.
Bên cạnh đó, một chương trình riêng biệt cho phép các ngân hàng trung ương nước ngoài đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với Ngân hàng trung ương Trung Quốc, cũng như các ngân hàng nước ngoài có liên quan tới hoạt động thanh toán biên mậu và thanh toán bù trừ bằng đồng RMB, được phép tiếp cận thị trường trái phiếu liên ngân hàng.
Chỉ trong vài tuần qua, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cho phép 32 định chế tài chính nước ngoài tham gia 2 chương trình này, trong đó có Ngân hàng HSBC, Morgan Stanley, Societe Generale, BNP Paribas và ING Bank.
Một bước đi khác nhằm mở cửa hơn nữa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là việc các cơ quan chức năng nước này sẽ bắt đầu tiếp nhận đơn cấp phép hoạt động dịch vụ thanh toán bù trừ bằng thẻ tín dụng kể từ ngày 1/6.
Hiện nay, China UnionPay là nhà cung cấp dịch vụ duy nhất trên thị trường thanh toán bù trừ bằng thẻ tín dụng ở Trung Quốc, kể từ khi hãng này được thành lập vào năm 2002. Các đối thủ của China UnionPay như Visa hay Mastercard chỉ có thể giải quyết các giao dịch của du khách Trung Quốc tại nước ngoài.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc gọi động thái này là một sự mở cửa toàn diện trong lĩnh vực ngân hàng, đồng thời lưu ý rằng các công ty nước ngoài có thể nộp đơn xin tham gia vào thị trường ước tính có giá trị 449.900 tỷ RMB (tương đương 72.600 tỷ USD) trong năm 2014 này.