Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã phát đi tín hiệu không hài lòng về quy mô của việc các ngân hàng chuyển sang tập trung vào trái phiếu chính phủ dài hạn, vốn dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động về lãi suất cũng như danh mục trái phiếu Kho bạc Mỹ của SVB.
Theo dữ liệu thị trường chứng khoán do BNP Paribas phân tích, trong quý đầu năm nay, các khoản mua ròng trái phiếu chính phủ dài hạn của các ngân hàng Trung Quốc, chủ yếu là các ngân hàng trong khu vực, đạt tổng cộng 270 tỷ nhân dân tệ (37 tỷ USD).
Một quan chức của PBOC cho biết: “Nếu một lượng lớn tiền bị giữ trong trái phiếu dài hạn với lãi suất thấp và nếu chi phí nợ tăng lên đáng kể, thì số tiền đó sẽ rơi vào tình trạng bị động vì ảnh hưởng đáng kể tới nguồn vốn do bị định giá lại”.
Ông cho biết thêm: "Đây chính xác là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng thanh khoản của… Silicon Valley Bank (SVB) trong năm ngoái”.
SVB đã được cơ quan quản lý của Mỹ tiếp quản vào tháng 3/2023 sau một đợt tháo chạy khỏi ngân hàng gây ra bởi lo ngại rằng ngân hàng này sẽ không thể thanh toán các khoản tiền gửi của mình do tác động của việc tăng lãi suất đối với việc nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn. Vào thời điểm đó, đây là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ.
Trung Quốc đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng diễn ra chậm trong lĩnh vực bất động sản và sau đó ảnh hưởng sang thị trường chứng khoán khi tăng trưởng kinh tế chững lại.
Các vấn đề giữa các ngân hàng khu vực trong nước có thể làm trầm trọng thêm những khó khăn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bằng cách hạn chế cho vay vào thời điểm quan trọng.
Các ngân hàng khu vực đã đổ xô vào trái phiếu chính phủ dài hạn kể từ tháng 1 như một kênh trú ẩn khỏi những rắc rối của thị trường chứng khoán và lĩnh vực bất động sản, đẩy chi phí đi vay của chính phủ xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo về mối nguy hiểm do trái phiếu chính phủ có vẻ an toàn gây ra.
Wang Ju, người đứng đầu chiến lược tỷ giá và ngoại hối của Trung Quốc tại BNP Paribas Securities cho biết: “Đối với những ngân hàng nhỏ hơn, việc họ theo đuổi trái phiếu dài hạn thực sự là rủi ro…Nếu có sự cố xảy ra và lợi suất bắt đầu tăng, thì… mất mát có thể lớn. Đừng quên bài học của các ngân hàng trong khu vực như SVB ở Mỹ”.
Trong một dấu hiệu cho thấy sức mạnh của nhu cầu đối với trái phiếu chính phủ dài hạn, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm của Trung Quốc đã giảm xuống khoảng 2,5% trong tuần này, mức thấp nhất trong hai thập kỷ.
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đạt mức thấp kỷ lục 2,2% trong tháng 3. Nó ổn định sau nhiều lần cảnh báo từ các quan chức.
Theo các phương tiện truyền thông trong nước, tại một số tỉnh miền đông và miền trung, các cơ quan quản lý ngân hàng địa phương đã yêu cầu các ngân hàng nhỏ ngừng bổ sung trái phiếu chính phủ dài hạn nắm giữ và cảnh báo về rủi ro thanh khoản.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm và 30 năm |
Dữ liệu giao dịch thứ cấp từ thị trường trái phiếu liên ngân hàng Trung Quốc cho thấy, bất chấp các biện pháp của chính phủ, các ngân hàng nông thôn vẫn mua trái phiếu chính phủ trị giá 400 tỷ nhân dân tệ từ ngày 1/3 đến ngày 16/4.
Ngược lại, các quỹ tương hỗ của Trung Quốc mua ít hơn nhiều trong giai đoạn này – 78 tỷ nhân dân tệ – trong khi các ngân hàng lớn hơn của Trung Quốc đã bán 220 tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ dài hạn mà họ nắm giữ.
Chen Jianheng, nhà phân tích thu nhập cố định tại bộ phận nghiên cứu của CICC cho biết: “Các ngân hàng nhỏ nói riêng đang đầu tư mạnh mẽ hơn vào trái phiếu chính phủ so với các ngân hàng lớn hơn”.
Đặc biệt, các quan chức Trung Quốc vẫn bị ám ảnh bởi vụ phá sản năm 2016 trên thị trường trái phiếu nước này.
Quan chức PBOC cho biết, Bắc Kinh có thể đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong nỗ lực hạn chế đà tăng đồng thời can thiệp vào thị trường thứ cấp để giúp quản lý thanh khoản.
Thủ tướng Li Qiang cho biết vào tháng 3 rằng, nước này sẽ phát hành 1.000 tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ trung ương đặc biệt dài hạn trong năm nay để giúp hỗ trợ nền kinh tế.