Ngày hôm qua (15/7), khi Trung Quốc công bố con số tăng trưởng GDP 7%, tốt hơn so với dự đoán trước đó, cũng là lúc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản buộc phải hạ thấp mức dự báo tăng trưởng của nước này.
Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi sau khi tăng trưởng chậm lại, nhưng vẫn tồn tại những bất ổn đáng quan ngại có thể khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sụp đổ, giống như Nhật Bản trước đây, khi rơi vào thập kỷ của giá cả tiêu dùng giảm mạnh và hoạt động kinh tế trì trệ. Đây cũng là kết quả từ 2 nghiên cứu được thực hiện bởi Oxford Economics Ltd. và HSBC Holdings Plc.
Trong khi 2 báo cáo trên dẫn tới những kết luận khác nhau, cả 2 đều đồng tình với một điều: có rất nhiều điểm tương đồng giữa Trung Quốc ngày nay và Nhật Bản năm 1990.
Theo đó, Nhật Bản đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng kỷ lục những năm 1980 cho tới khi bong bóng bất động sản và TTCK đổ vỡ vào năm 1990. Trung Quốc cũng đang trong những ngày tháng như vậy, tận hưởng niềm vui của hơn một thập kỷ phát triển mạnh mẽ, với giá bất động sản lên một bậc cao mới và là một trong những TTCK có mức tăng trưởng mạnh nhất.
Dưới đây là một số điểm tương đồng giữa 2 quốc gia:
Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc và Nhật Bản
Nhật Bản đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 5% mỗi năm trong giai đoạn từ 1985 tới 1990, chiếm 8% lượng hàng hóa nhập khẩu của thế giới và chiếm 12% GDP toàn cầu cũng như 57% GDP của châu Á Thái Bình Dương.
Hiện này, Trung Quốc chiếm 10% lượng hàng hóa nhập khẩu của thế giới, 11,5% GDP toàn cầu và 38% GDP khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Số liệu của Nhật Bản năm 1990 và Trung Quốc năm 2014
Điểm giống nhau thứ hai chính là tốc độ tăng trưởng của TTCK mỗi nước. Chỉ số Shanghai Composite đã tăng 150% tính cho tới đỉnh cao vào 12/6, trước khi lao đầu giảm mạnh trong 3 tuần vừa qua.
Tất nhiên, các báo cáo kể trên nhận định, nền kinh tế Trung Quốc năm 2015 vẫn có những điểm khác biệt so với Nhật Bản năm 1990.
Theo đó, kinh tế Trung Quốc vẫn còn nhiều không gian để phát triển và có xuất phát điểm thấp hơn nhiều so với mức độ phát triển cũng như mức thu nhập của Nhật Bản năm 1990. Thêm vào đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và chính quyền Bắc Kinh đang có những biện pháp vào cuộc quyết liệt với trận chiến giảm phát mới bắt đầu.
Tuy nhiên, cả HSBC và Oxford đều cảnh báo, Trung Quốc có thể sẽ lặp lại những sai lầm trong chính sách giống như Nhật Bản và các nhà lập pháp cần phải có các hành động linh hoạt, mạnh mẽ hơn để chống lại giảm phát.