Trung Quốc: Lạm phát xuống mức thấp không tưởng

Trung Quốc: Lạm phát xuống mức thấp không tưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) tại Trung Quốc trong tháng 6 đều giảm mạnh và không đạt kỳ vọng của các chuyên gia. 

Dữ liệu công bố hôm nay cho thấy rủi ro giảm phát ở Trung Quốc tăng cao trong tháng 6 trong bối cảnh nhu cầu nội địa yếu, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) gần mức 0% và giá bán tại nhà máy giảm sâu.

Chỉ số giá sản xuất (PPI), đo lường sự thay đổi giá của hàng hóa và dịch vụ thành phẩm được bán bởi nhà sản xuất, của Trung Quốc đã đánh dấu giảm tháng thứ 9 liên tiếp khi PPI tháng 6 giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh hơn so với dự báo trước đó rằng chỉ số này sẽ giảm 5%. Chỉ số này cũng ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2015. Chỉ số PPI của Trung Quốc trong tháng 5 có mức giảm nhẹ hơn khi giảm 4,6%.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tiếp tục sụt giảm trong tháng 6. Nguồn SCMP.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tiếp tục sụt giảm trong tháng 6. Nguồn SCMP.

Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 6 gần như chỉ bằng 0, trong khi tháng 5 tăng 0,2%. Đây là tốc độ tăng chậm nhất kể từ tháng 2/2021 và không đạt được mức tăng dự kiến đạt 0,2% như trong một cuộc thăm dò các nhà phân tích của Reuters. Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng CPI khoảng 3% cho năm 2023.

Chỉ số CPI (đường màu đen) của Trung Quốc gần chạm mức 0%. Nguồn: SCMP.

Chỉ số CPI (đường màu đen) của Trung Quốc gần chạm mức 0%. Nguồn: SCMP.

Theo Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group, các dữ liệu mới công bố là bằng chứng cho thấy nhu cầu trong nước đang yếu đi. Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại do hoạt động sản xuất và chi tiêu của người tiêu dùng chững lại.

Trong dữ liệu về CPI, giá thực phẩm ở Trung Quốc đã tăng 2,3% so với tháng 6/2022 và chỉ số này đã tăng hơn so với mức tăng 1% trong tháng 5, trong khi chỉ số CPI không tính giá thực phẩm giảm 0,6% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá thịt lợn, một mặt hàng được tiêu thụ chủ lực của người Trung Quốc, đã giảm 7,2% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá hoa quả trái cây đã tăng 6,4% và giá rau tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ lệ lạm phát tiêu dùng lõi của Trung Quốc, không bao gồm giá lương thực và năng lượng, tăng 0,4% trong tháng 6 so với một năm trước đó, giảm nhẹ từ mức tăng 0,6% trong tháng 5.

Các nhà kinh tế tại Capital econom cho biết: “Giá sản xuất đã giảm sâu hơn vào tháng trước, xuống mức thấp nhất trong hơn 7 năm và lạm phát giá tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất trong 28 tháng qua là 0%.

Lạm phát lõi tiếp tục giảm do tác động kích thích ban đầu từ việc mở cửa nền kinh tế trở lại giảm dần. Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ tăng dần vào cuối năm nay, nhưng mức tăng sẽ bị hạn chế, tạo cơ hội cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa”.

Tháng trước, Trung Quốc đã 2 lần cắt giảm lãi suất chính sách để tăng thanh khoản, hỗ trợ tín dụng và tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình.

Tin bài liên quan