Ảnh AFP
Trong phiên cuối tuần trước, sau thông tin Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận thương mại một phần sau vòng đàm phán thứ 13 ở Washington được các bên đưa ra, chứng khoán toàn cầu đã có phiên khởi sắc.
Theo đó, Mỹ hoãn tăng thuế từ 25% lên 30% với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 15/10 như kế hoạch, trong khi Trung Quốc cũng tăng nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ.
Tuy nhiên, trong ngày đầu tuần mới, thông tin từ Bắc Kinh cho biết, họ muốn có thêm các cuộc đàm phán trước khi ký kết thỏa thuận một giai đoạn một với Washington. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng, đợt thuế quan tiếp theo đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 15/12 nếu một thỏa thuận đã không đạt được sau đó.
Diễn biến mới sau vòng đàm phán, cũng như chưa có một thỏa thuận chính thức nào được ký kết, dù Tổng thống Trump trước đó ca ngợi về thỏa thuận giai đoạn 1 giữa 2 nước, đã làm tăng thêm nghi ngờ về một thỏa thuận thương mại.
Cùng với đó, việc Anh và Eu không đạt được thỏa thuận về Brexit trong cuộc đàm phán diễn ra cuối tuần qua cũng khiến giới đầu tư thêm phần thận trọng.
Sau vấn đề thỏa thuận thương mại và Brexit, giới đầu tư đang hướng tới kết quả kinh doanh quý III.
Kết thúc phiên 14/10, chỉ số Dow Jones giảm 29,23 điểm (-0,11%), xuống 26.787,36 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,12 điểm (-0,14%), xuống 2.966,15 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 8,39 điểm (-0,10%), xuống 8.048,65 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng đảo chiều giảm trở lại, chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp trước đó khi nhà đầu tư nghi ngờ về một thỏa thuận thương mại thật sự giữ Mỹ và Trung Quốc, cùng với đàm phán Brexit giữa Anh và EU thất bại.
Kết thúc phiên 14/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 33,63 điểm (-0,46%), xuống 7.213,45 điểm. Chỉ số DAX giảm 25,09 điểm (-0,20%), xuống 12.486,56 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 22,39 điểm (-0,40%), xuống 5.643,08 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, ngoại trừ chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch, các thị trường còn lại đều duy trì đà tăng tốt khi giới đầu tư phản ứng tích cực với việc Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận 1 phần.
Kết thúc phiên 14/10, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 34,23 điểm (+1,15%), lên 3.007,88 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 213,41 điểm (+0,81%), lên 26.521,85 điểm. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 16,46 điểm (+0,81%), lên 2.044,61 điểm.
Giá vàng lình xình trong phiên châu Á, sau đó tăng dần đều trong phiên châu Âu để hướng lại lên ngưỡng 1.500 USD/ounce khi chứng khoán đảo chiều với nghi ngờ về thỏa thuận tương mại. Tuy nhiên, đà tăng sau đó hạ nhiệt dần và giá kim loại quý này chỉ còn giữ mức tăng khiêm tốn khi chốt phiên đầu tuần mới khi đồng USD tăng cao.
Kết thúc phiên 14/10, giá vàng giao ngay tăng 3,7 USD (+0,25%), lên 1.492,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 8,9 USD (+0,60%), lên 1.497,6 USD/ounce.
Sau phiên tăng mạnh cuối tuần qua nhờ thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung và tàu dầu Iran bốc cháy, giá dầu thô đã trả lại hết trong phiên đầu tuần mới khi giới đầu tư nghi ngờ về thỏa thuận thương mại và đồng USD tăng cao.
Kết thúc phiên 14/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,11 USD (-2,07%), xuống 53,59 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,16 USD (-1,95%), xuống 59,35 USD/thùng.