Hai tháng qua, dù vẫn tăng cường mua bán các doanh nghiệp Việt nhưng nhà đầu tư Trung Quốc không còn nằm trong tốp 3 nhà đầu tư lớn ở Việt Nam.

Hai tháng qua, dù vẫn tăng cường mua bán các doanh nghiệp Việt nhưng nhà đầu tư Trung Quốc không còn nằm trong tốp 3 nhà đầu tư lớn ở Việt Nam.

Trung Quốc không còn trong top 3 nhà đầu tư FDI lớn vào Việt Nam

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), 2 tháng đầu năm Việt Nam thu hút được khoảng 3,3 tỷ USD, số giải ngân đạt 1,7 tỷ USD. Điều đáng nói là Trung Quốc dù tung tiền mua nhiều cổ phần của các doanh nghiệp Việt nhưng vẫn bị bật ra khỏi top 3 nhà đầu tư lớn ở Việt Nam trong 2 tháng đầu năm.
Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, 2 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 3,34 tỷ USD, bằng 98,2% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó các dự án đã giải ngân được 1,7 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Hiện 16 ngành lĩnh vực được các nhà đầu tư quan tâm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn thu hút được nhiều nhà đầu tư nước nhất với tổng vốn trên 1,8 tỷ USD, chiếm 54,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các lĩnh vực khác như xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn đứng thứ thứ 2 và 3.

Theo đối tác đầu tư, hiện Việt Nam có nhà đầu tư của hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đổ vốn đầu tư.

Trong đó, Hàn Quốc là nhà đầu tư số 1, khi đứng đầu với số vốn 851,2 triệu USD; các nhà đầu tư từ Anh quốc đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký xấp xỉ 450 triệu USD và Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 418,5 triệu USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư.

Trung Quốc trong 2 tháng qua vẫn nằm trong nhóm 10 đối tác đầu tư trực tiếp lớn tại Việt Nam, tuy nhiên, lượng vốn đầu tư của nước này không lớn, chủ yếu là tăng vốn và mua lại cổ phần các doanh nghiệp Việt Nam.

Một đặc điểm lớn của thu hút FDI đầu năm 2018 là rất ít dự án có số vốn lớn.

Ngoài 5 dự án trọng điểm có số vốn từ 80 triệu USD đến 150 triệu USD của các nhà đầu tư Singapore, Hàn Quốc vào Việt Nam thì tính trung bình chung các dự án đều có số vốn trung bình dưới 10 triệu USD.

Cụ thể, tính đến thời điểm cuối tháng 2/2018, cả nước có 411 dự án mới với tổng vốn đăng ký 1,39 tỷ USD, 133 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 700,3 triệu USD; 873 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 1,25 tỷ USD.

Như vậy, số vốn dự án mới đạt khoảng 3,4 triệu USD/mỗi dự án; số vốn tăng thêm là khoảng 5,2 triệu USD/mỗi dự án; số vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là khoảng 1,4 triệu USD/mỗi dự án.

Về địa bàn đầu tư, hiện TP.HCM là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 1,05 tỷ USD, tiếp sau là Bình Dương và Ninh Thuận.

Tin bài liên quan