Ảnh AFP

Ảnh AFP

Trung Quốc khiến giới đầu tư hân hoan

(ĐTCK) Việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bơm hơn 240 tỷ USD vào thị trường đã giúp giới đầu tư toàn cầu hân hoàn, bỏ qua nỗi sợ hãi virus Corona trong phiên thứ Ba (4/2).

PBOC đã bơm tổng cộng 1.700 tỷ nhân dân tệ (242,74 tỷ USD) thông qua repos ngược vào thứ Hai và thứ Ba. PBOC cho biết, họ tìm cách ổn định kỳ vọng thị trường tài chính và khôi phục niềm tin thị trường.

Sự kích thích đã thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư “thèm ăn” ngay cả khi nỗi lo bùng phát virus Corona ngày càng lan rộng và ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Trung Quốc cũng như toàn cầu trong quý đầu tiên của năm 2020.

Ngoài ra, phố Wall còn nhận thông tin tốt từ dữ liệu kinh tế vừa công bố. Sau khi Viện Quản lý nguồn cung (ISM) công bố đơn hoạt động sản xuất trong tháng 1 tăng trở lại sau 5 tháng giảm liên tiếp hôm thứ Hai, hôm thứ Ba, dữ liệu mới công bố cho thấy, các đơn đặt hàng mới cho hàng hóa Mỹ sản xuất trong tháng 12 năm ngoái cũng tăng mạnh nhất gần 1 năm rưỡi nhờ nhu cầu mạnh mẽ đối với máy bay quốc phòng.

Những thông tin tích cực trên giúp phố Wall tiếp tục có phiên bùng nổ với Nasdaq thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, còn S&P 500 có phiên tăng mạnh nhất trong 6 tháng.

Kết thúc phiên 4/2, chỉ số Dow Jones tăng 407,82 điểm (+1,44%), lên 28.807,63 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 48,67 điểm (+1,50%), lên 3.297,59 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 194,57 điểm (+2,10%), lên 9.467,97 điểm.

Tương tự, phản ứng tích cực với việc Trung Quốc bơm tiền vào thị trường để ổn định thị trường tài chính, cùng kết quả kinh doanh khả quan của BP và Glencore giúp thị trường chứng khoán châu Âu cũng có phiên khởi sắc hôm thứ Ba khi ghi nhận phiên tăng điểm mạnh nhất trong gần 4 tháng.

Kết thúc phiên 4/2, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) tăng 113,51 điểm (+1,55%), lên 7.439,82 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) tăng 236,55 điểm (+1,81%), lên 13.281,74 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) tăng 102,54 điểm (+1,76%), lên 5.935,05 điểm.

Chứng khoán châu Á cũng hồi phục mạnh mẽ trở lại trong phiên thứ Ba khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với việc Trung Quốc bơm tiền vào thị trường để hỗ trợ kinh tế và thị trường tài chính.

Kết thúc phiên 4/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 112,65 điểm (+0,49%), lên 23,.084,59 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 36,68 điểm (+1,34%), lên 2.783,29 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 319,00 điểm (+1,21%), lên 26.675,98 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 39,02 điểm (+1,84%), lên 2.157,90 điểm.

Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán đã khiến giá vàng lao dốc trong phiên thứ Ba, ghi nhận phiên giảm thứ 2 liên tiếp.

Kết thúc phiên 4/2, giá vàng giao ngay giảm 23,8 USD (-1,51%), xuống 1.552,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 26,8 USD (-1,70%), xuống 1.550,4 USD/ounce.

Bất chấp thị trường tài chính bùng nổ với dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ và gói kích thích hàng trăm tỷ USD của Trung Quốc, cùng với việc kỳ vọng OPEC+ giảm tiếp sản lượng, giá dầu thô vẫn tiếp tục giảm khi nỗi lo cầu giảm đang lấn át.

Kết thúc phiên 4/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,50 USD (-1,0%), xuống 49,61 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,49 USD (-0,9%), xuống 53,96 USD/thùng.

Tin bài liên quan