Tiếp nối đà hồi phục của phiên trước đó, phố Wall tiếp tục có sắc xanh trong phiên thứ Năm và tăng vọt sau đó với sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu công nghệ. Dữ liệu thương mại trong tháng 7 của Trung Quốc tốt hơn kỳ vọng giúp giới đầu tư giảm bớt lo lắng về suy thoái kinh tế do cuộc chiến thương mại gây ra.
Ngoài ra, theo dữ liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp bất ngờ giảm trong tuần trước, làm giảm bớt nỗi lo về khả năng suy thoái kinh tế và giúp lãi suất trái phiếu Mỹ tăng lên.
Bên cạnh đó, đồng nhân dân tệ ổn định trở lại cũng giúp nhà đầu tư vững tâm hơn để tự tin xuống tiền mạnh trở lại vào chứng khoán, giúp phố Wall có phiên khởi sắc với S&P 500 có mức tăng theo ngày mạnh nhất trong 2 tháng.
Kết thúc phiên 8/8, chỉ số Dow Jones tăng 371,12 điểm (+1,43%), lên 26.378,19 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 54,11 điểm (+1,88%), lên 2.938,09 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 176,33 điểm (+2,24%), lên 8.039,16 điểm.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng có phiên tăng mạnh nhất 2 tháng sau khi dữ liệu xuất khẩu thương mại tháng 7 của Trung Quốc khả quan bất chấp bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ leo thang. Ngoài ra, đồng nhân dân tệ ổn định sau khi giảm mạnh đầu tuần cũng giúp tâm lý nhà đầu tư vững tâm hơn.
Kết thúc phiên 8/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 87,20 điểm (+1,21%), lên 7.285,90 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 195,26 điểm (+1,68%), lên 11.845,41 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 121,45 điểm (+2,31%), lên 5.387,96 điểm.
Thị trường chứng khoán châu Á cũng hồi phục trở lại trong phiên thứ Năm khi đồng nhân dân tệ ổn định trở lại sau khi mất giá đầu tuần. Bên cạnh đó, xuất khẩu tháng 7 của Trung Quốc tăng tốt hơn dự kiến cũng giúp tâm lý nhà đầu tư yên tâm hơn.
Kết thúc phiên 8/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 76,79 điểm (+0,37%), lên 20.593,35 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 25,87 điểm (+0,93%), lên 2.794,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 123,74 điểm (+0,48%), lên 26.120,77 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường vàng, sau khi leo lên mức cao nhất 6 năm, giá vàng đã điều chỉnh trở lại trong phiên thứ Năm do áp lực chốt lời ngắn hạn và thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại.
Kết thúc phiên 8/8, giá vàng giao ngay giảm 0,2 USD (-0,01%), xuống 1.503,7 USD/ounce. Trong khi giá vàng giao tháng 8 giảm 9,6 USD (-0,64%), xuống 1.497,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 10,1 USD (-0,66%), xuống 1.509,5 USD/ounce.
Dữ liệu thương mại tích cực của Trung Quốc và thị trường lao động mạnh mẽ của Mỹ giúp giảm nỗi lo suy thoái kinh tế, qua đó kéo giá dầu thô hồi phục trở lại.
Kết thúc phiên 8/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,45 USD (+2,76%), lên 52,54 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,15 USD (+2,00%), lên 57,38 USD/thùng.