Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Iran Hassan Rouhani năm 2016. Ảnh: AP.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Iran Hassan Rouhani năm 2016. Ảnh: AP.

Trung Quốc - Iran ấp ủ kế hoạch lớn để ra “đòn đau” với Mỹ?

0:00 / 0:00
0:00
Nếu dự thảo thỏa thuận đối tác kinh tế và an ninh giữa Trung Quốc và Iran thành hiện thực, đây thực sự sẽ là “đòn đau” với Mỹ.

Cuộc đổi chác khổng lồ giữa Trung Quốc và Iran

Iran và Trung Quốc đã lẳng lặng cùng nhau phác thảo một thỏa thuận đối tác kinh tế và an ninh, "dọn đường" cho Trung Quốc đầu tư hàng tỷ USD vào ngành năng lượng và các ngành khác của Iran nhằm làm suy yếu những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump trong việc cô lập nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Theo New York Times, thỏa thuận đối tác được nêu cụ thể trong một bản đề xuất 18 trang sẽ mở rộng sự hiện diện của Trung Quốc trong các dự án về ngân hàng, viễn thông, cảng biển, đường sắt và nhiều lĩnh vực khác của Iran.

Theo một quan chức chính phủ Iran và một nhà buôn dầu mỏ, đổi lại, Trung Quốc sẽ nhận được nguồn cung dầu mỏ từ Iran trong 25 năm tới với mức giá được ưu đãi lớn.

Tài liệu trên cũng miêu tả về mục tiêu làm sâu sắc thêm sự hợp tác về quân sự giữa 2 quốc gia, một động thái có thể khiến Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng trong khu vực có ý nghĩa chiến lược mà Mỹ đã chiếm ưu thế trong hàng thập kỷ này.

Thỏa thuận hợp tác của Iran và Trung Quốc kêu gọi tăng cường các hoạt động huấn luyện và tập trận chung, phát triển nghiên cứu vũ khí và chia sẻ thông tin tình báo - tất cả là nhằm chiến đấu trong "cuộc chiến không cân xứng với chủ nghĩa khủng bố, nạn buôn người, buôn bán ma túy và tội phạm xuyên quốc gia".

Thỏa thuận đối tác - ban đầu được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất trong chuyến thăm Iran vào năm 2016, đã được nội các của Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông qua hồi tháng 6, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết hồi tuần trước.

Các quan chức Iran đã công khai khẳng định rằng nước này đang sắp có một thỏa thuận với Trung Quốc và theo một quan chức Iran cũng như một số nhân vật đã thảo luận về việc này với chính phủ Iran xác nhận, tài liệu mà New York Times nhận được là "phiên bản cuối cùng" của thỏa thuận vào tháng 6/2020.

Tài liệu này hiện chưa được trình lên Quốc hội Iran để thông qua, cũng như chưa được công khai đã làm dấy lên những đồn đoán rằng rằng liệu Iran đang chuẩn bị những gì để trao đổi với Trung Quốc.

Tại Bắc Kinh, các quan chức vẫn chưa tiết lộ về các điều khoản của thỏa thuận và vẫn chưa rõ liệu Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký thông qua hay chưa và khi nào thì sẽ được thông báo chính thức.

Đòn đau với Mỹ?

Nếu thỏa thuận trên có hiệu lực, nó sẽ tạo ra những mối đe dọa mới trong quan hệ vốn đang lao dốc giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thỏa thuận này sẽ là một cú đánh mạnh vào chính sách gây sức ép tối đa của chính quyền Tổng thống Trump với Iran kể từ khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.

Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, trong đó đe dọa sẽ chặn bất kỳ công ty nào làm ăn với Iran tiếp cận hệ thống ngân hàng quốc tế đã thành công trong việc "bóp nghẹt" nền kinh tế Iran.

Tuy nhiên, chính việc Washington đẩy Tehran vào "ngõ cụt" đã khiến Iran rơi vào “vòng tay” Trung Quốc, một đối tác đáp ứng các điều kiện cần của nước này. Iran là một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, song hoạt động xuất khẩu của nước này, vốn là nguồn doanh thu lớn nhất đã sụt giảm nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Trump bắt đầu áp lệnh trừng phạt năm 2018.

Trong khi đó, Trung Quốc nhập 75% lượng dầu từ nước ngoài và là nhà nhập khẩu mặt hàng này lớn nhất thế giới với hơn 10 triệu thùng dầu/ngày vào năm ngoái.

Giữa bối cảnh Mỹ đang vật lộn trong cuộc chiến chống Covid-19 và ngày càng xa rời đồng minh dưới thời Tổng thống Trump, Bắc Kinh hiểu rõ điểm yếu của Washington.

Dự thảo thỏa thuận với Iran của Trung Quốc cho thấy, không giống như hầu hết các quốc gia, Trung Quốc cảm thấy nước này đang ở vị trí có thể đối đầu với Mỹ, và đủ khả năng để chống chọi trước các lệnh trừng phạt của Washington.

"Hai nền văn hóa châu Á cổ xưa, hai đối tác thương mại, kinh tế, chính trị, văn hóa và an ninh có cùng quan điểm và nhiều lợi ích đa phương cũng như song phương sẽ coi đối phương là những đối tác chiến lược của nhau", dự thảo thỏa thuận đối tác Trung Quốc - Iran khẳng định trong câu mở đầu.

Theo 2 nguồn tin thân cận với dự thảo thỏa thuận trên, việc Trung Quốc tính đầu tư vào Iran 400 tỷ USD trong hơn 25 năm có thể khiến các công ty của nước này hứng chịu thêm các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ.

"Mỹ sẽ tiếp tục áp thêm các chi phí với những công ty Trung Quốc hỗ trợ Iran - nước tài trợ khủng bố lớn nhất thế giới", một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ trả lời khi được hỏi về dự thảo thuận giữa Trung Quốc và Iran.

"Qua việc cho phép và khuyến khích các công ty Trung Quốc làm ăn với Iran, chính phủ Trung Quốc đang làm suy yếu mục tiêu mà chính họ tuyên bố, đó là thúc đẩy hòa bình và sự ổn định".

Sự mở rộng các hoạt động hỗ trợ huấn luyện, quân sự và chia sẻ tình báo giữa 2 nước này cũng được coi là một hồi chuông cảnh báo với Washington.

Các tàu chiến Mỹ thường hoạt động ở các tuyến đường nhộn nhịp trên vịnh Ba Tư mà lực lượng của Iran hiện diện, cũng như thách thức Trung Quốc ở nhiều khu vực trên Biển Đông. Chiến lược An ninh Quốc gia của Lầu Năm Góc đã tuyên bố Trung Quốc là một chướng ngại của Mỹ.

Khi các bài báo về thỏa thuận đầu tư lâu dài với Iran xuất hiện vào tháng 9 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bất ngờ bác bỏ vấn đề này. Tuy nhiên, khi được hỏi lại vào tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã để ngỏ khả năng thỏa thuận này sẽ có hiệu lực.

"Trung Quốc và Iran có tình hữu nghị truyền thống và 2 bên đều đang trao đổi với nhau về những tiến triển trong mối quan hệ song phương này. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Iran để thúc đẩy sự hợp tác thực tế”.

Khoảng gần 100 dự án được dẫn ra trong dự thảo thỏa thuận trên chủ yếu nhằm thực hiện tham vọng của ông Tập Cận Bình trong việc mở rộng ảnh hưởng chiến lược khắp Á - Âu qua "Sáng kiến Vành đai và Con đường" - một chương trình hỗ trợ và đầu tư khổng lồ của Trung Quốc.

Các dự án này bao gồm việc đầu tư xây dựng các sân bay, đường sắt tốc độ cao và tàu điện ngầm. Trung Quốc cũng sẽ phát triển các khu chế xuất tại Maku ở tây bắc Iran, Abadan - nơi con sông Shatt al-Arab chảy ra vịnh Ba Tư và trên hòn đảo Qeshm.

Thỏa thuận gây nhiều tranh cãi

Ngoại trưởng Iran Zarif cho biết dự thảo thỏa thuận đối tác chiến lược với Trung Quốc sẽ được trình lên Quốc hội để hoàn tất quá trình thông qua cuối cùng. Thỏa thuận này đã nhận được sự ủng hộ từ lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei.

Cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Ayatollah Ali Khamenei là Ali Agha Mohammadi đã xuất hiện trên truyền hình gần đây để thảo luận về yêu cầu cần có một kế hoạch kinh tế rõ ràng.

Chuyên gia này cho biết Iran cần tăng việc sản xuất dầu lên ít nhất 8,5 triệu thùng/ngày để duy trì vị thế trong thị trường dầu mỏ và để làm được điều đó, nước này cần hợp tác với Trung Quốc.

"Mọi con đường đều khép lại với Iran. Con đường duy nhất mở ra là Trung Quốc. Cho đến khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, thỏa thuận này là lựa chọn tốt nhất", Fereydoun Majlesi, cựu quan chức ngoại giao Iran nhận định.

Tuy nhiên, dự thảo thuận này cũng vấp phải không ít chỉ trích khi một số người bày tỏ lo ngại rằng chính phủ Iran đang trao đổi quá nhiều cho Trung Quốc trong giai đoạn nền kinh tế Iran suy yếu và nước này bị cô lập trên trường quốc tế.

Một số chỉ trích khác thì dẫn ra các dự án đầu tư trước đó của Trung Quốc đã khiến các quốc gia châu Phi và châu Á rơi vào "bẫy nợ", đồng thời bày tỏ lo ngại về ý định của Trung Quốc với các cơ sở cảng biển của Iran trong dự thảo thỏa thuận, trong đó có 2 cảng biển nằm dọc biển Oman.

Một trong số đó là cảng Jask, nằm ngay Eo biển Hormuz, lối vào Vịnh Ba Tư có thể giúp Trung Quốc có được vị trí chiến lược tại vùng biển vận chuyển một lượng lớn dầu trên thế giới này. Đây cũng là khu vực có tầm quan trọng chiến lược với Mỹ khi trụ sở của Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ đặt tại Bahrain.

Trung Quốc đang tiến hành xây dựng một loạt cảng biển dọc Ấn Độ Dương nhằm tạo nên một chuỗi các trạm tiếp nhiên liệu từ Biển Đông tới Kênh đào Suez. Không chỉ có ý nghĩa về mặt thương mại, các cảng biển này còn có tiềm năng về quân sự khi có thể giúp Trung Quốc nhanh chóng huy động và mở rộng lực lượng.

Trung Quốc cũng tăng cường hợp tác quân sự với Iran. Hải quân thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân của Trung Quốc đã ghé thăm và tham gia các cuộc tập trận quân sự với quân đội Iran ít nhất 3 lần kể từ năm 2014. Lần gần đây nhất là vào tháng 12 năm ngoái khi 1 tàu khu trục có gắn tên lửa của Trung Quốc tham gia tập trận với hải quân Nga và Iran ở Vịnh Oman.

"Iran và Trung Quốc đều coi thỏa thuận trên có ý nghĩa chiến lược, không chỉ mở rộng các lợi ích của chính mình mà còn nhằm đối phó với Mỹ", Ali Gholizadeh, một nhà nghiên cứu năng lượng Iran tại Đại học Công nghệ và Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh đánh giá.

Tin bài liên quan