Ảnh Internet

Ảnh Internet

Trung Quốc giảm tốc, hệ lụy kinh tế toàn cầu

(ĐTCK) Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc sẽ kìm hãm tăng trưởng ở nhiều nước, từ Brazil, Chile cho tới Australia, Hàn Quốc.

Nền kinh tế tăng trưởng “nóng” của Trung Quốc trong nhiều năm qua đã kéo nhiều nhiều nền kinh tế khác tăng theo, đẩy giá dầu, sắt… tại các nước phát triển và ô tô, hàng hóa xa xỉ từ châu Âu tăng vọt.

Nhưng vai trò “động cơ toàn cầu” của nền kinh tế này hiện giảm sút khi tốc độ tăng trưởng chậm lại và nhiều quốc gia khác, trong cái nhìn của các chuyên gia kinh tế, bắt đầu cảm thấy thiệt hại đang đến gần. Một điều tra của Hãng truyền thông AP đối với 30 chuyên gia kinh tế đã đưa đến kết quả: 57% trong số này cho rằng, sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc sẽ kìm hãm tăng trưởng ở nhiều nước, từ Brazil, Chile cho tới Australia, Hàn Quốc. Một ngoại lệ đáng lưu ý là Mỹ sẽ “miễn nhiễm” với các vấn đề suy giảm của Trung Quốc.

Sự bùng nổ một thời của Trung Quốc chậm lại một phần do nỗ lực của chính phủ kìm hãm thị trường bất động sản đầy tính đầu cơ của quốc gia này và chuyển nền kinh tế hướng tới chi tiêu. Kinh tế Trung Quốc đã tăng thêm 7,3% trong quý III/2014 so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng chậm nhất kể từ năm 2009. Tỷ lệ tăng trưởng trên 7% có thể là niềm mơ ước của phần lớn các nền kinh tế lớn, nhưng đối với Trung Quốc, con số này đánh dấu sự sụt giảm mạnh mẽ sau ba thập kỷ tăng trưởng ở mức hai con số.

Tuần trước, Conference Board, một nhóm kinh doanh, dự đoán rằng, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ sụt xuống dưới mức 4% trước năm 2020.

Sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc đang đánh động tới phần còn lại của thế giới. Brazil và Australia giảm doanh thu từ quặng sắt, một thành phần cơ bản để tạo ra thép, do cuộc bùng nổ xây dựng của Trung Quốc giảm nhiệt. Chile xuất khẩu được ít đồng hơn cho Trung Quốc. Indonesia bán được ít dầu và gỗ xẻ hơn.

Tại Hàn Quốc, xuất khẩu điện tử chững lại, đe dọa tới tăng trưởng của quốc gia này, do người tiêu dùng Trung Quốc giảm mua smartphones hoặc chọn các mặt hàng nội địa rẻ hơn để thay thế.

Các thương hiệu xa xỉ của châu Âu cũng sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Sung Won Sohn, một chuyên gia kinh tế tại Smith School of Business của Đại học Bang California ước tính, một phần ba số đồng hồ xa xỉ của Thụy Điển được xuất khẩu sang Trung Quốc. Thêm vào đó, Trung Quốc đang là thị trường tăng trưởng nhanh nhất đối với Mercedes-Benz và BMW. Các nhà sản xuất ô tô Mỹ, đặc biệt là General Motors, bán được ít ô tô hơn cho Trung Quốc. Tuy nhiên, Sohn lưu ý, gần như tất cả số đó được lắp ráp ở Trung Quốc và không đóng góp nhiều cho nền kinh tế Mỹ. Do đó, doanh số suy giảm tại Trung Quốc hầu như không ảnh hưởng tới Mỹ.

Hãng dự báo Capital Economics tính toán rằng, chỉ 6,5% hàng xuất khẩu, tương đương 0,9% GDP của Mỹ được đưa sang Trung Quốc. “Khó để có thể nhìn thấy ảnh hưởng đáng kể từ sự giảm tốc tại Trung Quốc lên nền kinh tế Mỹ”, Paul Ashworth, một nhà kinh tế ở Capital Economics nhận xét.

AP đã khảo sát một loạt tổ chức nghiên cứu, các nhà kinh tế phố Wall và giới học thuật từ ngày 24 - 29/10/2014. Phần lớn các chuyên gia kinh tế được khảo sát cho rằng, nền kinh tế Mỹ có thể tăng 2,5 - 3% trong năm sau, ngay cả trường hợp châu Âu, Nhật và Trung Quốc suy giảm mạnh.

Robert Johnson, một nhà kinh tế tại Hãng dịch vụ đầu tư Morningstar đánh giá, Mỹ đã phục hồi đều đặn sau cuộc Đại suy thoái, kể cả khi kinh tế Trung Quốc suy yếu. Quý III/2014, kinh tế Mỹ tăng 3,5%, tiếp theo con số ấn tượng 4,6% của quý trước đó.

Tuy nhiên, nếu tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại đáng kể, có thể tăng trưởng của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. “Trung Quốc là một thị trường lớn, sớm muộn gì chúng ta sẽ cảm nhận được ảnh hưởng”, Sohn nói.

Liên quan đến nỗ lực kích thích kinh tế, cuối tuần qua, Ngân hàng Trung ương Nhật công bố sẽ mua thêm trái phiếu chính phủ và các tài sản khác để lạm phát tăng, thúc đẩy chi tiêu, trong bối cảnh nền kinh tế “ốm yếu” đã nhiều năm. Thông báo này khiến nhiều thị trường tài chính trên thế giới tăng điểm.

Tin bài liên quan