Giới phân tích cho rằng, chính Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sẽ là quốc gia gặp vấn đề lớn nhất khi Mỹ thực hiện các đợt tăng lãi suất này vào năm sau.
Đây là lần đầu tiên Fed tăng lãi suất trong năm nay và động thái chính sách này nằm trong lộ trình đã được Fed công bố từ trước. Theo Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen thì đây là kết quả đánh giá cho thấy nền kinh tế Mỹ đang tiếp tục được cải thiện, kỳ vọng về lạm phát đã tăng lên đáng kể và thị trường việc làm tiếp tục tăng trưởng khởi sắc.
Tuy nhiên, lãi suất cao hơn tại Mỹ sẽ khiến Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc quản lý khối nợ đang có xu hướng phình to của mình, nhất là có thể sẽ có 3 đợt tăng nữa vào năm tới trong bối cảnh Bắc Kinh cũng phải phụ thuộc không nhỏ vào nguồn vốn bên ngoài để thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời tìm cách ngăn chặn dòng vốn chảy khỏi Đại lục.
Ruchir Sharma, nhà chiến lược các thị trường đang nổi và đầu tư toàn cầu tại Morgan Stanley Investment Management nhận định: “Nếu Fed thực hiện tiếp các đợt tăng lãi suất như dự kiến tại Mỹ, nạn nhân chịu tổn thương lớn nhất có thể sẽ là Trung Quốc, do quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng dòng vốn chảy khỏi thị trường trong nước một cách nghiêm trọng”. Bên cạnh đó, trong vòng một năm qua, bong bóng không chỉ lan từ thị trường chứng khoán và hàng hóa, mà đã xuất hiện cả trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc.
“Bắc Kinh tìm mọi cách để dập tắt bong bóng chứng khoán, thì nay nó lại nổi lên ở lĩnh vực khác”, Ruchir Sharma nhận định. Giá nhà đất tại các thành phố lớn nhất tại Trung Quốc đã tăng từ 30 - 50% chỉ trong vòng 18 tháng qua.
Mặt khác, việc Fed nâng lãi suất đồng nghĩa lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng theo và đồng USD cũng mạnh lên. Và thực tế là lợi suất trái phiếu của Mỹ và “đồng bạc xanh” đã ngay lập tức tăng giá sau tuyên bố nâng lãi suất của Fed ngày 14/12. Các động thái này không hề có lợi cho Trung Quốc, khi các lựa chọn đầu tư hấp dẫn hơn tại Mỹ sẽ là tác nhân hút dòng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc mạnh hơn.
Trước đó, Bắc Kinh đã sử dụng dự trữ ngoại tệ của mình để mua vào Nhân dân tệ, trong một nỗ lực nhằm giữ cho đồng nội tệ không mất giá quá sâu so với USD.
Một số nhà quan sát lạc quan thì cho rằng, dẫu sao số nợ mà Trung Quốc đang gánh về cơ bản có sự khác biệt so với số nợ tại hầu hết các nền kinh tế khác. Chính phủ tại Trung Quốc cũng còn nhiều “công cụ” để điều chỉnh nền kinh tế và đặc biệt là khả năng kiểm soát các thị trường và doanh nghiệp tại Trung Quốc, qua đó, chứng minh năng lực loại bỏ các bong bóng tài chính và tiền tệ rủi ro.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Sharma, năng lực kiểm soát này sẽ suy yếu nếu có quá nhiều tiền mặt “chảy” khỏi hệ thống. Trung Quốc sẽ cần rất nhiều tiền để tiếp tục đưa nền kinh tế tiến tới mức tăng trưởng mục tiêu trên 6% mà chính phủ nước này đã đặt ra.
Chiến lược gia Sharma không phải là nhà kinh tế và nhà quan sát thị trường duy nhất đưa ra nhận định lo ngại về kinh tế Trung Quốc. Peter Boockvar, nhà phân tích thị trường chủ chốt tại Công ty tư vấn đầu tư The Lindsey Group lưu ý về tình trạng nợ của người tiêu dùng và các khoản nợ ngân hàng tại Trung Quốc đang ngày càng phình to.
Chính phủ Trung Quốc đã có thêm 794,6 tỷ Nhân dân tệ (115 tỷ USD) nợ mới vào tháng trước, cao hơn nhiều so với mức 651 tỷ Nhân dân tệ (94 tỷ USD) của tháng 10. Bên cạnh đó, tổng chi phí xã hội tại Trung Quốc, một thước đo rộng hơn về tình trạng tín dụng của nước này, đã tăng lên mức 1.740 tỷ NDT (250 tỷ USD) tháng 11, so với mức 896 tỷ Nhân dân tệ của tháng 10.
“Nếu những con số trên tiếp tục tăng mạnh thì Chính phủ Trung Quốc sẽ gặp vấn đề lớn về khả năng kiểm soát tài chính”, chuyên gia Boockvar cảnh báo.