Áp dụng CDR
Cuối tuần trước, giới chức chứng khoán Trung Quốc đưa ra thông tin chính thức về kế hoạch sử dụng chứng chỉ lưu ký (China Depositary Receipts – CDR) dành cho các công ty Trung Quốc niêm yết tại nước ngoài.
Động thái này diễn ra chưa đầy 1 tháng kể từ khi ý tưởng này lần đầu tiên được công khai - trở thành bước đi chưa từng có tiền lệ về thời gian thực hiện và phần nào thể hiện rõ quyết tâm của chính quyền Đại lục trong việc thu hút những “đứa con” thành đạt quay về quê nhà.
CDR là một loại cổ phiếu được giao dịch ở Trung Quốc, nhưng nó đại diện cho lượng cổ phần của một tập đoàn tại nước ngoài và được mua bán trên thị trường chứng khoán Đại lục như những cổ phiếu thông thường.
Loại tài sản này ra đời đã giải quyết khó khăn trong việc mua cổ phiếu của các công ty nước ngoài, trong bối cảnh những chứng khoán đó đang được giao dịch tại những thị trường khác nhau, với các đơn vị tiền tệ khác nhau.
Trong chương trình thử nghiệm, CDR sẽ được áp dụng cho những công ty niêm yết tại nước ngoài, có giá trị thị trường trên 200 tỷ Nhân dân tệ (32 tỷ USD). Các công ty này có thể ở những loại hình doanh nghiệp không được phép tại Đại lục và số tiền thu về sẽ dễ dàng chuyển ra bên ngoài.
Chương trình này cũng để cửa mở cho một số công ty tư nhân tham gia. Cụ thể, doanh nghiệp tư nhân với giá trị hơn 20 tỷ Nhân dân tệ, doanh thu ít nhất từ 3 tỷ Nhân dân tệ trong năm gần nhất cũng sẽ được góp mặt vào chương trình này trong giai đoạn kế tiếp.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, Trung Quốc có lý do để sốt sắng đưa CDR nhanh chóng vào cuộc. Dù là quê hương của hàng loạt tên tuổi công nghệ đình đám, chứng khoán Đại lục hoàn toàn đứng ngoài cuộc khi thị trường toàn cầu theo đà tăng, dẫn đầu bởi cổ phiếu công nghệ.
Trong khi đà tăng 200% của cổ phiếu Weibo Corp, Alibaba và Sina Corp đang làm giàu cho các nhà đầu tư Mỹ, hỗ trợ chỉ số Nasdaq Composite tăng 73% lên mức cao kỷ lục kể từ tháng 2/2016, thì chỉ số ChiNext Index - vốn được tạo ra để trở thành bản sao của Nasdaq - lại toàn đi xuống, giảm 14% trong cùng giai đoạn.
“Đại lục có ham muốn mãnh liệt trong việc đưa các nhà vô địch - những doanh nghiệp công nghệ lớn - quay trở lại quê nhà và CDR là một trong những cách làm điều này”, David Smith, người đứng đầu bộ phận châu Á tại Aberdeen Standard Investments nhận xét.
Tác động toàn cầu
“Doanh nghiệp công nghệ cao và các tổ chức sáng tạo khác có thể cân nhắc lại kế hoạch IPO của mình một khi chương trình CDR được áp dụng. Bên cạnh đó, các công ty đã niêm yết tại nước ngoài như Alibaba hiện giao dịch tại New York cũng sẽ xem xét việc thực hiện CDR tại thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới, qua đó thúc đẩy gia tăng giá trị của doanh nghiệp”, John Xu, người đứng đầu hãng luật Linklaters LLP nói và cho biết thêm, cho tới hiện tại, việc niêm yết tại cả Trung Quốc và thị trường chứng khoán nước ngoài đã trở thành sự thực.
Một điểm nhấn được đánh giá cao của chương trình CDR là việc xóa bỏ đi những phiền hà trong quy định về loại hình doanh nghiệp tại những lĩnh vực hạn chế đầu tư nước ngoài, trong đó có Internet, công nghệ.
Hiện tại, các công ty công nghệ Trung Quốc thường sử dụng cấu trúc VIE (Variable Interest Entity), một mô hình phức tạp cho phép các nhà đầu tư ngoại mua cổ phần và thu lợi tức nhưng không nắm quyền sở hữu doanh nghiệp.
Mô hình này là rào cản đối với công ty công nghệ Đại lục trong việc niêm yết tại quê nhà, nhưng với CDR, một quy chuẩn mới đã được thiết lập, khi các cấu trúc không được phép như VIE vẫn được chấp nhận, cũng như việc sử dụng cổ phiếu phân tầng (dual - class).
Hiện tại, chưa có công ty nào lên tiếng về kế hoạch phát hành CDR tại Đại lục, nhưng trước đó, lãnh đạo một số doanh nghiệp đã thể hiện sự quan tâm. Zhou Haibin, chiến lược gia tại Essence Securites cho biết, có ít nhất 6 doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn kể trên và từng tỏ ra quan tâm về chương trình này. Đó là Alibaba, Baidu, JD.com Inc, NetEase Inc - đều đang niêm yết tại New York và China Mobile Ltd, China Telecom Corp - đang niêm yết tại Hồng Kông.