Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) cho biết, tất cả 7,1 triệu tấn công suất sản xuất thép mỗi năm được chính quyền cấp tỉnh cho phép trong nửa đầu năm đều sử dụng lò hồ quang điện, đây là quy trình sạch hơn chạy bằng phế liệu và điện tái chế.
Việc xanh hóa ngành thép - nguồn phát thải carbon lớn thứ hai của Trung Quốc - là một phần quan trọng trong kế hoạch trung hòa carbon của nước này vào năm 2060. Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp bao gồm hạn chế sản lượng thép thô và thúc đẩy công nghệ sản xuất thép sạch hơn trong những năm qua. Nhưng thách thức vẫn còn khi các nhà máy phải đối mặt với tỷ suất lợi nhuận thấp trong nền kinh tế yếu kém.
CREA cho biết, động thái ngừng cấp phép cho các dự án sử dụng than có thể là một bước ngoặt trong tiến trình khử carbon trong ngành thép của Trung Quốc. Tổ chức nghiên cứu này cho biết, điều này sẽ giúp Trung Quốc đi đúng hướng cắt giảm 200 triệu tấn carbon dioxide từ ngành thép vào năm 2025, giảm 10% so với mức đỉnh điểm vào năm 2020.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã công bố kế hoạch hành động mới giai đoạn năm 2024-2025 cho lĩnh vực này vào tháng 5, trong đó đặt mục tiêu giảm 53 triệu tấn khí thải và hạn chế xuất khẩu các sản phẩm sắt thép có giá trị thấp.
Xinyi Shen, tác giả chính của báo cáo cho biết: “Khi nhu cầu thép của Trung Quốc đạt đỉnh và ngày càng có nhiều phế liệu, điều đó mang đến cho chúng ta cơ hội lớn để giảm lượng khí thải trong vòng 10 năm tới”.