Mở rộng đầu tư ra nước ngoài để thỏa mãn cơn khát nguyên liệu và năng lượng
Trong 5 nền kinh tế mới nổi là BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) thì Trung Quốc có sức mạnh kinh tế lớn nhất, là nước được cả thế giới quan tâm nghiên cứu với nhiều chiều cạnh khác nhau.
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos năm 2012, ông Pascal Lamy, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) phát biểu: “Kinh tế Trung Quốc đã đứng hàng thứ hai thế giới về quy mô. Một số người tự hỏi, liệu ta có nên gọi Trung Quốc là một nền kinh tế đang phát triển nữa hay không” (?).
Ông Richard Levin, Chủ tịch Trường đại học Yale (Mỹ) cảnh báo: “Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc thực ra gây sợ hãi và cả sự thù địch, đặc biệt là ở các nước như Hoa Kỳ. Và những lo lắng này sẽ có xu hướng tăng”.
Trung Quốc không chỉ là một trong những nước tiếp nhận đầu tư nước ngoài nhiều nhất, mà còn đang gia tăng nhanh chóng đầu tư ra nước ngoài. Theo số liệu của Bộ Thương mại nước này, tổng mức đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài vào khu vực phi tài chính tính đến tháng 5/2004 là 556,5 tỷ USD.
Là nước công nghiệp hóa sau, lại có tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 - 10%/năm liên tục trong hơn một thập niên, nên Trung Quốc dùng mọi biện pháp về chính trị thông qua quan hệ với các chính phủ và về kinh tế như viện trợ ODA để tăng cường đầu tư vào các thị trường châu Phi, Mỹ La tinh, châu Á, châu Úc vốn đã được những nước công nghiệp phát triển chi phối, để thỏa mãn nhu cầu gia tăng nhanh chóng về nguyên liệu và năng lượng.
Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn của Hoa Kỳ thông qua việc mua trái phiếu chính phủ của nước này.
Hoạt động đầu tư ra nước ngoài không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn là “vũ khí” để Trung Quốc sử dụng khi cần thiết. “Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu một chiến dịch hiệp đồng tung ra các răn đe kinh tế chống lại Hoa Kỳ, với ngụ ý rằng, họ có thể thanh lý số trái phiếu Hoa Kỳ khổng lồ mà họ đang nắm giữ, nếu Washington áp đặt các trừng phạt mậu dịch… Được mô tả như là ‘phương án chiến tranh hạt nhân’ trên báo chí nhà nước của Trung Quốc, hành động đó có thể kích hoạt một cuộc sụp đổ đồng USD… Nó cũng làm lãi suất trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ tăng vọt, làm chao đảo thị trường nhà đất và có lẽ sẽ đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ vào suy thoái” (Báo Bưu điện Luân Đôn - Anh, đầu năm 2012).
Đề cập một vài bình luận trên đây để giúp nhận diện đúng hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại nước ta.
Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam: Lượng nhiều, chất thấp, thiếu tin cậy
Tính đến ngày 20/5/2014, Trung Quốc (không tính Hồng Kông và Ma Cao) có 1.029 dự án FDI tại Việt Nam, với vốn đăng ký 7,825 tỷ USD, chiếm 3% tổng vốn FDI đăng ký, bằng 1,4% vốn đầu tư ra nước ngoài của nước này. Trong đó, khu vực chế tác, điện lực có vốn đăng ký 6,179 tỷ USD, chiếm gần 80%. Xây dựng và kinh doanh bất động sản 1,2 tỷ USD, chiếm 15%. Số vốn 5% còn lại thuộc các lĩnh vực khai khoáng, du lịch, ăn uống, bán buôn, bán lẻ…
Nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời Bo Viet tại Bắc Giang vốn đầu tư Trung Quốc (ảnh: Internet)
Theo quan sát của chúng tôi, có thể một phần FDI của Hồng Kông tại Việt Nam là của doanh nghiệp Trung Quốc, nên rất khó nhận diện chính xác.
Xin đơn cử một ví dụ để chứng minh. Một trong những dự án FDI quy mô lớn đầu tiên của Trung Quốc tại nước ta là Khu chế xuất Linh Trung (TP.HCM) được thành lập năm 1992, lúc đầu được đăng ký đầu tư từ công ty Hồng Kông, vì thời kỳ đó, hai nước mới bình thường hóa quan hệ, nên việc lập khu chế xuất của Trung Quốc ở TP.HCM là vấn đề khá nhạy cảm.
Khoảng một năm sau khi được cấp phép đầu tư, công ty của Hồng Kông này đã làm thủ tục chuyển nhượng cho công ty quốc doanh Trung Quốc và đổi thành khu công nghiệp.
So với FDI của hai nước Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc thì quy mô bình quân vốn của dự án FDI Trung Quốc chỉ bằng 1/3; chưa có dự án quy mô lớn, công nghệ cao tác động đến tăng trưởng, thu ngân sách, xuất khẩu, như Samsung, LG của Hàn Quốc, hay Canon, Toyota, Honda của Nhật.
Trong hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại nước ta đã có thời kỳ rộ lên những dự án trồng rừng với diện tích hàng chục vạn héc-ta ở các địa phương nhạy cảm về an ninh và quốc phòng. Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo chính quyền địa phương xử lý theo hướng bảo đảm cả lợi ích kinh tế và an ninh của Tổ quốc.
Đáng lưu ý là, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp và cá nhân người Trung Quốc thông qua người Hoa và người Việt để trồng lúa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản không qua con đường chính thức, được coi là “đầu tư chui”, bất hợp pháp đã được thực hiện ở nhiều địa phương.
Cho đến nay, chưa có con số chính thức, nên không thể đánh giá đúng tầm cỡ và tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội và đằng sau hoạt động đầu tư đó chứa đựng những hiểm họa nào (?).
Cùng với các khoản ODA cho Việt Nam, Trung Quốc khuyến khích doanh nghiệp nước này tham gia đấu thầu các công trình xây dựng ở nước ta và họ đã khá thành công trong hoạt động này. Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội công bố, tính đến năm 2010, có đến 90% dự án tổng thầu EPC của Việt Nam (chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim) do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu cơ khí, trong số 20 dự án nhiệt điện tại Việt Nam, thì 15 công trình do Trung Quốc làm tổng thầu.
Ông Bùi Trung Dung, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, cơ quan này đã đánh giá các công trình xây dựng từ nguồn vốn nhà nước có gói thầu do nhà thầu Trung Quốc thực hiện và đưa ra những kết luận đáng buồn: không đạt mục tiêu huy động nguồn lực chuyên gia có trình độ cao và lao động có tay nghề cao, bởi lao động phổ thông Trung Quốc vượt quá nhiều lần so với yêu cầu; không huy động được công nghệ cao và công nghệ mới, thiết bị hiện đại; các gói thầu đều không đạt tiến độ khi đăng ký đấu thầu.
Thực trạng đó có nguyên nhân khách quan gắn với quy định về tiếp nhận ODA của Trung Quốc là phải ưu tiên chọn nhà thầu của nước này. Nhưng đáng tiếc là, một số công trình đã không lựa chọn đúng nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, nên đã kéo dài thời gian, tăng chi phí đầu tư, điển hình là Dự án Đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì nguyên nhân tố chủ quan là chính. Các nhà thầu Trung Quốc rất biết cách thiết lập quan hệ, biết tìm đến những địa chỉ, con người cần giao dịch, trong khi một số chủ dự án Việt Nam thiếu ý thức dân tộc, không quan tâm đến việc ưu tiên cho nhà thầu trong nước, vì lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, nên dễ chấp nhận nhà thầu Trung Quốc. Khi tham gia đấu thầu thì họ nhờ “quan hệ cánh hẩu”, nên đăng ký với giá rất thấp, khi trúng thầu thì họ tìm mọi thủ đoạn để nâng giá.
Trong khi doanh nghiệp trong nước thiếu việc làm, thì nhà thầu nước ngoài lại được giao thi công những công trình lớn, kể cả dùng vốn nhà nước, buộc một số doanh nghiệp phải làm nhà thầu phụ. Thực trạng này cũng có phần trách nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam, bởi thiếu sự phân công và hợp tác trong từng ngành hàng để tạo nên sức mạnh về kinh tế và công nghệ khi tham gia đấu thầu các công trình xây dựng.
(Còn tiếp)