Ông Donald Trump trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2024. Ảnh: AFP
Thuế quan là lực cản
Cơ hội để ông Trump trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ tăng lên sau khi ông bị ám sát hụt vào ngày 13/7 và chọn ông JD Vance làm người tranh cử cùng mình hai ngày sau đó.
Bà Hui Shan, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Goldman Sachs đánh giá: "Hiện tại, xuất khẩu là một điểm sáng lớn của nền kinh tế Trung Quốc và tôi nghĩ các nhà hoạch định chính sách muốn chuẩn bị sẵn sàng".
"Chúng tôi đang thấy những câu chuyện về thuế quan, không chỉ ở Mỹ, mà còn ở các đối tác thương mại lớn khác của Trung Quốc", bà Shan nói. "Vì vậy, đây sẽ không phải là động lực tăng trưởng bền vững cho Trung Quốc".
Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc (xét theo quốc gia), trong khi Liên minh châu Âu (EU) đã tụt lại phía sau Đông Nam Á với tư cách là đối tác thương mại khu vực lớn nhất của Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ trước, cựu Tổng thống Trump đã mạnh tay đánh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc vào năm 2018 và đe dọa sẽ tăng thuế lên 60% nếu tái đắc cử sau chiến thắng ở cuộc bầu cử tháng 11 năm nay.
Theo Citi Group, xuất khẩu hàng hóa đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc trong quý II/2024, kể từ quý I/2022 - thời điểm mà các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đã hạn chế các hoạt động kinh doanh.
Trong khi đó, nỗ lực phát triển ngành công nghiệp chế tạo cao cấp của Bắc Kinh vẫn chưa thể bù đắp hoàn toàn tình trạng suy thoái bất động sản và mức tiêu thụ mờ nhạt.
Các quan chức Mỹ, bao gồm cả Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã nhận định rằng, các chính sách của Trung Quốc nhằm tăng cường năng lực công nghiệp và khả năng tự chủ về công nghệ đã gây ra tình trạng mất việc làm ở Mỹ.
Tác động đáng kể đến kinh tế vĩ mô
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên sau khi được chọn làm người tranh cử cùng ông Trump, ông Vance nói với Fox News rằng không phải cuộc chiến ở Ukraine, Trung Quốc mới là "vấn đề thực sự" đối với Mỹ và đặt ra "mối đe dọa lớn nhất".
Đội ngũ chiến dịch tranh cử của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã chỉ trích lựa chọn trên của ông Trump, vì cho rằng lựa chọn đó được đưa ra một cách có chủ ý "bởi ông Vance sẽ làm điều mà ông Mike Pence sẽ không làm vào ngày 6/1: chấp nhận để ông Trump và chương trình nghị sự MAGA (Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại - BTV) cực đoan của ông ấy, ngay cả khi điều đó có nghĩa là vi phạm luật và không gây tổn hại cho người dân Mỹ".
Khi được hỏi về bình luận trên của ông Vance, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian trả lời tại cuộc họp báo ngày 16/7 rằng: "Chúng tôi luôn phản đối việc coi Trung Quốc là một vấn đề trong các cuộc bầu cử ở Mỹ"
Nền kinh tế Trung Quốc đạt tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, với mức tăng trưởng 4,7% trong quý II/2024, so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đưa tăng trưởng nửa đầu năm 2024 đạt 5%.
Tăng trưởng thấp hơn dự đoán đã làm dấy lên những kêu gọi rằng Bắc Kinh cần có biện pháp kích thích hơn nữa để nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là khoảng 5%.
Dữ liệu gần đây cho thấy giao thương với Mỹ đã chậm lại. Cụ thể, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chỉ tăng khiêm tốn 1,5% trong nửa đầu năm nay.
"Các nhà hoạch định chính sách (Trung Quốc) cần cân nhắc về nhu cầu trong nước và tập trung vào điều gì đó lâu dài và bền vững hơn cho triển vọng tăng trưởng", bà Shan nhận định.
Cũng theo nhà phân tích này, nếu Mỹ áp dụng mức thuế 60% thì "mức thuế này là khá cao và chúng tôi cho rằng tác động đối với nền kinh tế vĩ mô là khá đáng kể".
Thêm vào đó, doanh số bán lẻ thấp và mức tăng trưởng quý II đáng thất vọng sẽ không đủ để thuyết phục chính quyền Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế, theo các nhà phân tích của Citi Group.
Họ cho rằng: "Các nhà hoạch định chính sách có thể chấp nhận sự suy yếu trong ngắn hạn trong bối cảnh sự thay đổi cơ cấu của lĩnh vực bất động sản". "Nhiều lo ngại hơn về thương mại và các mối quan hệ đối ngoại cũng có thể khiến Trung Quốc phải dành không gian chính sách cho tương lai".
Citi dự báo mức tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc trong năm nay sẽ đạt 5,0%.
Trái lại, xuất khẩu (tính bằng đồng đô la Mỹ) của Trung Quốc đã tăng 3,6% trong nửa đầu năm nay sau khi nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa nước này tốt hơn mong đợi trong vài tháng trở lại đây.
"Đầu tư vào sản xuất chế tạo và cơ sở hạ tầng có thể tiếp tục mạnh mẽ và xuất khẩu trong [quý III] sẽ duy trì mức tăng trưởng [so với cùng kỳ năm trước] nhờ khả năng nhận được các đơn đặt hàng trước trong [nửa cuối năm] do lo ngại về mức thuế cao hơn", bà Tao Wang, trưởng bộ phận kinh tế châu Á tại ngân hàng đầu tư UBS dự đoán.
Bà Wang cho rằng chính quyền Trung Quốc có thể sẽ miễn cưỡng tung ra các biện pháp kích thích lớn trong vài tháng tới nhằm tiết kiệm nguồn lực trong trường hợp kinh tế suy yếu hơn và các nước nhập khẩu áp thuế quan cao hơn. Và nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm nay, ngân hàng UBS dự báo.
Tuy vậy, không phải tất cả các nhà phân tích đều tin rằng việc ông Trump quay lại nắm quyền Nhà Trắng sẽ hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc.
Ông Ben Harburg của Corevalues Alpha cho rằng Trung Quốc có nhiều khả năng đạt được kết quả thương mại "tích cực" dưới thời ông Trump do "bản chất thiên hướng giao dịch" của ông.
"Ông ấy (ông Trump - BTV) là một nhà giao dịch và giống như bất kỳ nhà đàm phán nào, ông ấy thích đặt tiêu chuẩn thấp và đặt giá ở mức thấp, sau đó đàm phán từ đó", ông Harburg cho biết.