AI và nhận diện khuôn mặt là một phần trong kế hoạch kiểm soát và nâng cao ý thức về nguy cơ rác thải ở Trung Quốc. Ảnh: Zhuanlan.

AI và nhận diện khuôn mặt là một phần trong kế hoạch kiểm soát và nâng cao ý thức về nguy cơ rác thải ở Trung Quốc. Ảnh: Zhuanlan.

Trung Quốc: Đi đổ rác cũng bị nhận diện khuôn mặt

AI và nhận diện khuôn mặt được đưa vào thùng rác ở một số nơi tại Trung Quốc để xác định người đổ rác sai và hạ điểm tín nhiệm.

Theo SCMP, Bắc Kinh đang thử nghiệm lắp đặt các thùng tác thông minh tích hợp thiết bị scan. Trước khi bỏ rác vào thùng, người dân phải quét khuôn mặt, từ đó xác định được ai đổ rác sai quy định.

Nếu phân loại rác tốt, người dân còn được tích điểm vào thẻ, đổi các phần quà như trứng, giấy... Ngược lại, nếu làm sai, họ sẽ đối mặt với các khoản phạt tùy theo mức độ vi phạm, nặng nhất là hạ điểm tín nhiệm xã hội. 

Người dùng Trung Quốc đang sống trong thế giới của ứng dụng, từ việc đặt xe, mua sắm và giờ là cả đổ rác. Sau khi người dân Thượng Hải phàn nàn họ cảm thấy khó khăn khi lọc rác theo quy định mới có hiệu lực từ 1/7, các hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc đã vào cuộc.

Theo quy định, rác phải được chia làm bốn loại: rác phân hủy sinh học, rác khô, độc hại và có thể tái chế. 

Tencent, tập đoàn phát triển ứng dụng WeChat, nhanh chóng giới thiệu ứng dụng Master of Trash Sorting dành cho người dùng tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến và Quảng Châu, hướng dẫn phân loại rác dựa trên các từ khóa.

Alipay, công ty tài chính của Alibaba, lại áp dụng dụng trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo tăng cường. Người dùng chỉ cần mở camera trên điện thoại, quét các loại rác và ứng dụng sẽ xác định rác đó nên để vào thùng nào. Chương trình của Alipay thống kê hơn 4.000 loại rác và đã thu hút hàng triệu lượt người sử dụng từ khi ra mắt đầu tháng 7.

Đối thủ của Alibaba là JD cũng triển khai công nghệ nhận diện hình ảnh có tích hợp AI để phục vụ người dân. Ho chỉ cần đặt câu hỏi cho loa thông minh như "Rác này thuộc loại nào?", hay "Tôi nên phân loại món này thế nào?"...

Với hơn 1,3 tỷ dân, Trung Quốc đang tạo ra nhiều rác thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Theo SCMP, những người dân chưa quen với quy định mới có thể nhìn sang Nhật. Tại Nhật, rác được phân loại và đặt trong đúng túi màu quy định. Nếu không, họ sẽ bị trả lại rác, thậm chí có thể bị đuổi khỏi nơi ở.

Tin bài liên quan