Thái độ kiêu ngạo khó mang lại thành công tại Trung Quốc
Cách đây không lâu, các công ty công nghệ lớn của Mỹ coi Trung Quốc là một thị trường đầy tiềm năng và dễ nắm bắt: 1,4 tỷ người, tầng lấp trung lưu tăng trưởng nhanh, cư dân bị thu hút bởi văn hóa Mỹ, từ phim Titanic cho tới âm nhạc của Michael Jackson. Và tất nhiên, hàng hóa và dịch vụ do Mỹ cung cấp sẽ có sức hấp dẫn đặc biệt tại thị trường này.
Mặc dù vậy, suy nghĩ này của các công ty Mỹ đang dần bị thay đổi, mà mới đây nhất, việc Uber đầu hàng trước Didi Chuxing là minh chứng rõ ràng nhất. Sau những chi phí tốn kém mà cả 2 bên bỏ ra trong cuộc chiến giành thị phần, CEO Uber Travis Kalanick đã quyết định rời khỏi đấu trường bằng cách bán lại bộ phận Uber tại Trung Quốc cho Didi, đổi lại là một ghế trong hội đồng quản trị và chút ít cổ phần của công ty mới.
Động thái này diễn ra chỉ một năm sau khi Uber công bố rộng rãi việc coi Trung Quốc là thị trường quan trọng bậc nhất của Công ty và “đổ bộ” rầm rộ vào thị trường này.
“Uber đã tiến vào các thị trường trên toàn cầu với thái độ khá kiêu ngạo, từ việc chế giễu các hãng taxi truyền thống tại địa phương, cho tới sử dụng các chiêu trò quảng bá không lấy làm dễ chịu. Tuy nhiên, kiêu ngạo là thái độ khó có thể mang lại thành công tại Trung Quốc”, Zennon Kapron, Giám đốc hãng tư vấn Kapronasia tại Thượng Hải cho biết.
Trường hợp của Uber trở thành ví dụ điển hình cho những gì mà công ty Mỹ muốn thâm nhập Trung Quốc phải đối mặt. Trong cuộc chiến giành thị phần với Didi, Uber phải đấu tranh với cả các đối thủ hỗ trợ phía sau là Alibaba Group Holding Ltd và Tencent Holdings Ltd. Đối với các công ty từ thung lũng Silicon, như Amazon.com Inc hay Apple Inc, những người vẫn đang xem Trung Quốc là mỏ vàng, việc phải chiến đấu với các đối thủ cạnh tranh mạnh tại địa phương và sự thay đổi “khẩu vị” của khách hàng Đại lục chính là 2 vấn đề lớn nhất.
Trong bài phát biểu của mình khi thông báo bán lại Uber Trung Quốc, Kalanick cho biết: “Các công ty công nghệ Mỹ đang vật lộn để có thể giải mã được thị trường”.
Đối thủ cạnh tranh tại địa phương rất mạnh
“Thời điểm mà các công ty Mỹ có thể dễ dàng tiến vào Đại lục với một món hàng mới mẻ, như một thương hiệu nước có ga hay thiết bị thông minh, đã chấm dứt. Hiện tại, khi thâm nhập vào thị trường này, công ty Mỹ sẽ gặp vô số đối thủ cạnh tranh, thậm chí là những đối thủ rất mạnh, đã tồn tại sẵn ở đây”, Tom Birtwhistle, quản lý cao cấp tại PwC Hong Kong cho biết.
Thêm vào đó, đã qua thời mà người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc “hài lòng với mọi thứ”, như tờ The Atlantic Monthly từng miêu tả vào năm 2007. Hiện tại, các công ty Trung Quốc như Huawei, Xiaomi và Oppo đang khiến Apple phải dần lùi bước với các sản phẩm không hề kém cạnh có mức giá cạnh tranh hơn hẳn.
So sánh sản phẩm tiêu biểu của Apple, Huawei và Oppo
“Các đối thủ cạnh tranh tại địa phương đã tiến bộ vượt bậc. Hãy nhìn vào thị trường smartphone, các nhà sản xuất điện thoại thông minh tại Trung Quốc đang cung cấp ra thị trường các sản phẩm với giá rẻ nhưng có hình thức và chất lượng tốt. Nếu như trước đây, các công ty Đại lục thường gặp thách thức về vấn đề thương hiệu, thì hiện tại, rất nhiều công ty mới tại Trung Quốc đang làm marketing và thương hiệu tốt như các công ty phương Tây. Họ đưa ra sản phẩm ở phân khúc cao cấp, với giá rẻ hơn và một thương hiệu được truyền bá toàn cầu. Điều này khiến họ khó bị đánh bại hơn bao giờ hết”, Birtwhistle cho biết.
Duncan Clark, tác giả của cuốn sách “Alibaba: Ngôi nhà mà Jack Ma đã xây dựng” nhận định, với thị trường có kích cỡ lớn như Trung Quốc, lợi thế sân nhà là rất lớn. Lợi thế này được tạo ra từ văn hóa và ngôn ngữ, cũng như sự ảnh hưởng từ chính sách của giới chức Đại lục. Nhiều công ty Mỹ đã quen với việc có thể thành công tại thị trường nước ngoài, mà điển hình là tại châu Âu. Tuy nhiên Trung Quốc lại khác biệt, thị trường này không thiếu những doanh nhân với tài sản khổng lồ, và chính quyền nơi đây luôn có sự khắt khe nhất định với các công ty ngoại quốc.
Liệu “tân binh” Facebook có làm nên chuyện?
Trong khi Google, Yahoo, Ebay và hiện tại là Uber đều đã rút lui khỏi Trung Quốc hoặc “co cụm” lại tại một vị trí hẹp trên thị trường, các công ty như Microsoft, Qualcomm và Apple vẫn đang nỗ lực với cuộc đua thị phần tại đây. Trong khi đó, một gã khổng lồ khác tại thung lũng Silicon bắt đầu nhăm nhe tiến vào thị trường Đại lục.
Facebook thực tế đã từng được phép hoạt động tại Trung Quốc, trước khi bị cấm vào năm 2009. Trong những năm gần đây, người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã tỏ rõ ý định tham gia vào thị trường này. Để giành được thiện cảm từ phía cư dân Trung Quốc, Mark Zuckerberg có những động thái khá tích cực như phát cuốn sách “The Governance of China” cho các nhân viên Facebook, thể hiện kỹ năng tiếng Trung, tung ra những bức ảnh của mình tại Trung Quốc.
Mark Zuckerberg là người mới, vị CEO này có cơ hội để tự thử sức mình
Thêm vào đó, về cơ bản, với việc đa phần cư dân Trung Quốc đã quen dùng WeChat, liệu họ có cần tới Facebook? Thực tế, ứng dụng WeChat của Tencent được cài đặt sẵn trên các thiết bị di động thông minh, chưa kể hàng tá các dịch vụ đi kèm đều đã được lấp kín.
Sự trỗi dậy của các công ty công nghệ tại Trung Quốc không phải là điều mới, tuy nhiên, vấn đề này trở nên nổi bật gần đây, khi những gã khổng lồ Mỹ, điển hình là Uber, Apple gặp trái đắng tại thị trường này và các vụ việc thu hút được sự chú ý của khán giả toàn cầu.
“Điều mà rất nhiều nhà đầu tư tổ chức, doanh nghiệp, cũng như giới chức phương Tây chưa nhận ra là, họ đã rất tập trung vào việc làm cách nào để thế giới bên ngoài có thể thay đổi Trung Quốc, trong khi lại bỏ lỡ vấn đề thực sự, làm cách nào mà Trung Quốc đã và đang thay đổi thế giới. Tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc càng tăng trưởng mạnh, trở thành động lực đối với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên toàn cầu, thị quá trình thay đổi này càng trở nên mạnh mẽ, nhanh chóng”, Andy Mok, giám đốc Red Pagoda Resource tại Bắc Kinh cho biết.