Trung Quốc đang đẩy các doanh nghiệp hoá dầu Hàn Quốc vào khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành công nghiệp hóa dầu đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc đang khiến các nhà sản xuất tại Hàn Quốc - quốc gia xuất khẩu nguyên liệu sản xuất nhựa lớn thứ hai ở châu Á này ngày càng trở nên khó khăn.
Trung Quốc đang đẩy các doanh nghiệp hoá dầu Hàn Quốc vào khó khăn

Từng là thị trường lớn cho các công ty Hàn Quốc như LG Chem và Lotte Chemical, nhưng các nhà xuất khẩu hóa chất của Trung Quốc đang buộc các công ty này phải giảm quy mô hoạt động sau làn sóng đẩy mạnh xây dựng các nhà máy sản xuất hóa chất trong vài năm qua, đã tạo ra tình trạng dư thừa nguồn cung.

LG Chem - nhà sản xuất hóa dầu lớn nhất Hàn Quốc - đã đóng cửa một nhà máy monome styrene ở Yeosu vào tháng trước do tình trạng dư cung kéo dài. Lotte Chemical cũng đang xem xét các lựa chọn chiến lược cho công ty con ở Malaysia, sau khi truyền thông Hàn Quốc đưa tin họ đang cố gắng bán nó.

Tình trạng khó khăn mà các công ty này gặp phải là do sự gia tăng đầu tư lớn vào ngành hóa dầu của Trung Quốc bắt đầu thực sự khởi sắc vào năm 2020. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), xu hướng này vẫn tiếp tục không suy giảm, với việc Trung Quốc sẽ chiếm gần 3/4 tổng công suất bổ sung toàn cầu trong năm nay.

Chang Hyunkoo, nhà phân tích tại Heungkuk Securities Co. cho biết: “Đã đến lúc các nhà sản xuất hóa dầu châu Á bên ngoài Trung Quốc không thể cạnh tranh được nữa… Nó đang trở thành một ngành công nghiệp trì trệ ở Hàn Quốc và rất khó tìm được thị trường xuất khẩu thay thế Trung Quốc”.

Trung Quốc chiếm 49% lượng xuất khẩu hóa dầu của Hàn Quốc vào năm 2019, nhưng con số đó đã giảm xuống còn 36% vào năm ngoái và có khả năng tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Theo IEA, sự gia tăng nhanh chóng đã và đang định hình lại mô hình tiêu thụ dầu toàn cầu đối với châu Á và đặc biệt là Trung Quốc, củng cố sự thống trị của quốc gia này với tư cách là nhà nhập khẩu dầu thô lớn. Nó cũng bù đắp lợi ích môi trường do việc sử dụng xe điện ngày càng tăng, dẫn đến dự báo về mức tiêu thụ chung của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng, điều này sẽ đẩy lùi thời gian nhu cầu dầu đạt đỉnh.

Eshwar Yennigalla, nhà phân tích cấp cao tại S&P Global Commodity Insights cho biết Trung Quốc đã khởi động hoặc mở rộng 25 nhà máy cracker ethylene từ năm 2019 đến năm 2023. Trong khi chỉ có 3 nhà máy mới ở Hàn Quốc trong cùng thời kỳ.

Ngoài việc buộc phải đóng cửa một số hoạt động, các công ty Hàn Quốc – bao gồm LG Chem và Hanwha Solutions Corp. – cũng đang chuyển sang các hoạt động kinh doanh thân thiện với tương lai hơn bao gồm sản xuất năng lượng mặt trời và pin. Các nhà sản xuất lớn của Trung Quốc như Công ty hóa dầu Rongsheng và Công ty hóa dầu Hengli là một trong những đối tượng được hưởng lợi.

Theo Parsley Ong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu năng lượng và hóa chất châu Á tại JPMorgan, khá nhiều công ty Hàn Quốc đang cân nhắc việc rời khỏi lĩnh vực kinh doanh hóa dầu hoặc tìm kiếm quan hệ đối tác với các nhà sản xuất nguyên liệu ở Trung Đông. “Sự hợp nhất sắp diễn ra trong ngành trong năm nay”, ông cho biết.

Tin bài liên quan