Trung Quốc đang dẫn đầu ngành công nghiệp lithium toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Giám đốc điều hành Tập đoàn kinh doanh khoáng sản American Lithium cho biết, Trung Quốc đang dẫn đầu ngành công nghiệp lithium thế giới trong khi các nước khác chậm chân trong cuộc đua này.
Trong báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới năm 2022, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết Trung Quốc cung cấp khoảng 60% nguồn cung hóa chất lithium toàn cầu. Ảnh: AFP

Trong báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới năm 2022, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết Trung Quốc cung cấp khoảng 60% nguồn cung hóa chất lithium toàn cầu. Ảnh: AFP

"Tôi nghĩ nhiều đến cách mà người Trung Quốc - ý tôi là bạn phải ngả mũ thán phục - đã chơi một trò chơi tuyệt vời", ông Simon Clarke, giám đốc điều hành American Lithium, bày tỏ.

Đại diện American Lithium cho biết: "Trong nhiều thập kỷ qua, họ (Trung Quốc - BTV) đã tích trữ một số tài sản quý từ khắp nơi trên thế giới và âm thầm tiến hành hoạt động kinh doanh như nâng cao kiến thức về xây dựng công nghệ pin lithium-ion từ rất sớm". "Trong khi chúng ta đã phản ứng rất chậm với điều đó", ông Clarke nhấn mạnh.

Giám đốc điều hành American Lithium cho rằng Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của Mỹ và một số biện pháp khác đã khiến người ta "bắt đầu nhận thức được điều đó".

Ngoài sử dụng cho điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng và một loạt thiết bị khác gắn với cuộc sống hiện đại, lithium - thứ mà một số người gọi là "vàng trắng" - rất quan trọng đối với việc sản xuất pin dành cho xe điện. Và Trung Quốc chắc chắn đang thống trị công nghệ pin lithium-ion.

Trong báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới năm 2022, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết Trung Quốc cung cấp khoảng 60% nguồn cung hóa chất lithium trên toàn cầu. Cũng theo cơ quan này, Trung Quốc cũng sản xuất 3/4 tổng sản lượng pin lithium-ion trên thế giới.

Trước nhu cầu lithium ngày càng tăng, các nền kinh tế lớn đang cố gắng tăng cường nguồn cung cấp của chính họ và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc.

Tuy nhiên, những động thái trên là rất rủi ro. Trong bài phát biểu về Tình trạng Liên minh châu Âu vào tháng 9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, đánh giá: "Lithium và đất hiếm sẽ sớm trở nên quan trọng hơn dầu mỏ và khí đốt".

Cùng với việc giải quyết vấn đề an ninh nguồn cung, bà Ursula von der Leyen cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành công nghệ chế biến.

"Ngày nay, Trung Quốc kiểm soát ngành công nghiệp chế biến toàn cầu", Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhận định. "Gần 90% … đất hiếm và 60% lithium được chế biến ở Trung Quốc", bà Ursula von der Leyen nói thêm.

Sốt ruột với tình hình hiện nay, một số công ty ở châu Âu đang tìm cách phát triển các dự án tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung. Đơn cử, Tập đoàn khoáng sản Imerys (Paris) đang có kế hoạch phát triển dự án khai thác lithium ở trung tâm nước Pháp, còn tại Vương quốc Anh, một nhà máy tinh chế lithium quy mô lớn đầu tiên sẽ được đặt ở phía Bắc.

Sắp tới, theo dự báo của giám đốc điều hành Tập đoàn American Lithium, cạnh tranh địa chính trị trong ngành công nghiệp lithium sẽ ngày càng gay gắt, nhưng sự thống trị ngành công nghiệp lithium của Trung Quốc sẽ không dễ bị lung lay bởi việc giành giật các chuỗi cung ứng là điều không hề dễ dàng.

Tin bài liên quan