Một tuần trước, truyền thông thế giới đưa tin, các ngân hàng quốc gia Ả Rập Xê-út có thể cung cấp các khoản vay cho các nhà đầu tư nước này để họ có thể đầu tư vào Saudi Aramco.
Thêm vào đó, Bloomberg chỉ ra rằng, Chính phủ Ả Rập Xê-út cũng đang tích cực tìm kiếm dòng tiền đầu tư nước ngoài vào đợt phát hành cổ phiếu lần đầu của Saudi Aramco, sẽ được giao dịch trên sàn chứng khoán Tadawul vào tháng 12 tới.
Cũng theo nguồn tin của Bloomberg, không có gì đáng ngạc nhiên khi các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang bắt đầu đàm phán để đầu tư 5 - 10 tỷ USD vào thương vụ IPO của Aramco.
Cụ thể, Quỹ Con đường tơ lụa (Silk Road Fund), có trụ sở đặt tại Bắc Kinh, là một trong số các bên đang thảo luận về khả năng mua cổ phần trong đợt chào bán lần đầu của Saudi Aramco. Ngoài ra, khả năng các quỹ khác của Trung Quốc hoặc các doanh nghiệp nhà nước cũng có thể tham gia vào thương vụ này.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân Trung Quốc quyết tâm chi nhiều tiền hơn cho đầu tư nước ngoài, thật ra rất đơn giản. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tìm mọi cách để mở rộng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc và hồi sinh các tuyến thương mại trong lịch sử như một phần của sáng kiến “Vành đai - Con đường” của ông.
Theo Bloomberg, đầu tư vào Saudi Aramco "giúp Trung Quốc sẽ tăng cường quan hệ với Ả Rập Xê-út và cho phép Bắc Kinh thu lợi từ việc giá dầu tăng". Tất nhiên, Bắc Kinh cũng có thể mất mát nếu giá dầu giảm, bởi hiện tại đang là thời đại sản xuất dầu đá phiến của Mỹ.
Bloomberg lưu ý thêm rằng, trong những tháng gần đây, Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec) và Quỹ đầu tư quốc gia China Investment Corp. cũng đã tham gia đàm phán để đầu tư vào đợt IPO của Saudi Aramco.
Mặc dù vậy, còn quá sớm để nói về kết quả cuối cùng, bởi vì số tiền mà mỗi công ty đầu tư cuối cùng sẽ phụ thuộc vào Chính phủ Trung Quốc.
Tất nhiên, bất kỳ khoản đầu tư nào vào Aramco sẽ mang lại cho Bắc Kinh một lợi thế rất lớn khi nói đến tương lai của mối quan hệ Trung Quốc - Ả Rập Xê-út và các cam kết mấu chốt của Trung Quốc sẽ giúp Saudi Aramco phát hành lần đầu thành công, sau khi các nhà quản lý quỹ của phương Tây kéo tụt mức định giá của nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới này.
Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman lâu nay vẫn khẳng định rằng, Saudi Aramco đáng giá 2.000 tỷ USD, mặc dù hiện tại ông đã giảm kỳ vọng xuống còn 1.600 - 1.800 tỷ USD. Theo ước tính của các ngân hàng Mỹ, định giá của Saudi Aramco sẽ chỉ rơi vào khoảng 1.100 tỷ USD, thậm chí có thể thấp hơn và còn tùy thuộc vào giá dầu.
Ngoài ra, không chỉ Trung Quốc, mà Nga cũng đang dành sự quan tâm cho thương vụ IPO của Aramco.
Tuần trước, Kirill Dmitriev, Tổng giám đốc quỹ lợi ích quốc gia Nga Russian Direct Investment Fund cho biết, vụ phát hành này là "cơ hội có một không hai" và các nhà đầu tư Nga rất muốn tham gia.