Cuộc họp được tổ chức vào hai ngày 4 và 5/6, có sự tham gia của Cơ quan lập kế hoạch kinh tế trung ương, Ủy ban Quốc gia về Phát triển và Cải cách, đại diện từ Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc.
Tại đây, đại diện các đơn vị trên nhấn mạnh những công ty Mỹ hoặc có liên quan đến Mỹ có thể phải đối mặt với "hậu quả thảm khốc" nếu hợp tác với chính quyền Tổng thống Donald Trump, cấm bán công nghệ chủ chốt của Mỹ cho Trung Quốc.
Bên cạnh đó, một số quan chức cũng "bóng gió" rằng các công ty Mỹ nên có những vận động hành lang để thay đổi tình hình hiện tại. Riêng doanh nghiệp không thuộc Mỹ không phải chịu hậu quả nếu tiếp tục làm ăn bình thường với công ty Trung Quốc như hiện tại.
Chi tiết cuộc họp đã không được tiết lộ. Microsoft, Dell từ chối bình luận, Samsung chưa đưa ra câu trả lời.
Việc triệu tập các đại diện công nghệ Mỹ là động thái tiếp theo của Trung Quốc sau khi đưa hàng loạt doanh nghiệp Mỹ vào danh sách các công ty và cá nhân "không đáng tin cậy" nhằm trả đũa việc chính quyền Trump cấm Huawei với lý do đe dọa an ninh quốc gia.
Trong quá khứ, Trung Quốc từng sử dụng các cuộc gặp với doanh nghiệp công nghệ Mỹ để làm công cụ ngoại giao.
Năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi thăm Nhà Trắng đã dừng chân tại Seattle trước khi tới Washington để gặp một số giám đốc điều hành Mỹ và Trung Quốc nhằm "nhấn mạnh chiều sâu mối quan hệ kinh tế giữa hai nước" và đạt một số hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, theo Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cuộc họp lần này sẽ không mang lại tác dụng tương tự, bởi các công ty buộc phải tuân thủ lệnh cấm của Mỹ hoặc nghe theo chính quyền Trung Quốc.
Ngày 15/5, Nhà Trắng đã đưa Huawei vào danh sách các doanh nghiệp "gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia". Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ xếp Huawei cùng 68 công ty Trung Quốc khác vào danh sách theo dõi.
Google, Intel, Qualcomm, Xilinx sau đó cũng dừng quan hệ với hãng smartphone Trung Quốc. Để chuẩn bị cho tương lai không phụ thuộc công nghệ Mỹ, Huawei được cho là đã tự tạo hệ điều hành mới, hủy đơn hàng từ các nhà cung cấp linh kiện lớn, thậm chí yêu cầu nhân viên quốc tịch Mỹ rời khỏi công ty.