Seagate - hãng sản xuất ổ cứng máy tính lớn nhất thế giới tháng trước đã đóng cửa nhà máy ở Suzhou, khiến 2.000 người thất nghiệp. Sự việc này đã làm dấy lên mối lo Trung Quốc ngày càng khó khăn với các công ty nước ngoài hoạt động tại đây.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ở Thụy Sĩ tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã trấn an thế giới rằng Trung Quốc vẫn cởi mở với đầu tư nước ngoài. Ông bảo vệ toàn cầu hóa và cam kết cải thiện khả năng tiếp cận cho các công ty ngoại. Đây là tín hiệu được nhiều người đánh giá tích cực.
Tuy nhiên, Seagate lại vừa gia nhập làn sóng công ty ngoại ngừng hoạt động tại Trung Quốc trong vài năm qua. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng các công ty chủ yếu đổ cho thuế cao, lương nhân công tăng và cạnh tranh khốc liệt từ các công ty nội.
Ví dụ, Panasonic năm 2015 đã phải ngừng toàn bộ việc sản xuất TV tại đây, sau 37 năm hoạt động tại Trung Quốc. Khi tiến vào thị trường này năm 1979, đại gia điện tử Nhật Bản là công ty nước ngoài đầu tiên đặt chân đến đây, kỳ vọng vào những ưu đãi hào phóng mà đối thủ Trung Quốc không có, như thuế thấp, giá đất ưu đãi và dễ dàng tiếp cận chính quyền địa phương.
"Trung Quốc hiện không quá cần công ty nước ngoài nữa. Trước đây, họ cần để lấy công nghệ tiên tiến và vốn thôi", Chong Tai-Leung - Giáo sư tại Chinese University of Hong Kong nhận xét, "Thế nên tất nhiên, Chính phủ có thể giảm dần các chính sách có lợi với doanh nghiệp ngoại".
Tuy nhiên, sau gần 4 thập kỷ, tình hình đã thay đổi. Tháng 11 năm ngoái, Sony đã bán toàn bộ cổ phần trong Sony Electronics Huanan - nhà máy tại Quảng Châu chuyên sản xuất đồ điện tử tiêu dùng. Hãng bán lẻ Anh - Marks & Spencer cũng thông báo sẽ đóng cửa tất cả cửa hàng ở Trung Quốc do thua lỗ triền miên.
Những cái tên cũng nằm trong danh sách này là Metro, Home Depot, Best Buy, Revlon và L'Oreal. SCMP cho rằng xu hướng này sẽ còn tiếp tục. Các công ty ngoại từng được coi là những vị khách được chào đón nhất, khi mang tiền, kiến thức và kỹ năng mà Trung Quốc đang rất cần sang đây. Nhưng giờ, họ đã thất sủng.
"Trung Quốc hiện không quá cần công ty nước ngoài nữa. Trước đây, họ cần để lấy công nghệ tiên tiến và vốn thôi", Chong Tai-Leung - Giáo sư tại Chinese University of Hong Kong nhận xét, "Thế nên tất nhiên, Chính phủ có thể giảm dần các chính sách có lợi với doanh nghiệp ngoại".
Năm ngoái, Shen Danyang - người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng các công ty nước ngoài chỉ muốn "kiếm tiền nhanh", quá phụ thuộc vào các chính sách ưu đãi của Chính phủ. Nhưng ông cho biết Trung Quốc vẫn là địa điểm đầu tư tốt với những người "hiểu biết sâu và dũng cảm".
Keith Pogson - chuyên gia dịch vụ tài chính châu Á tại Ernst & Young nhận xét lý do chủ yếu khiến các hãng nước ngoài phải rời Trung Quốc là cạnh tranh từ đối thủ nội địa.
"Ngày càng nhiều công ty Trung Quốc nổi tiếng tại các thị trường nước ngoài. Việc này gây rất nhiều áp lực lên các doanh nghiệp ngoại", ông cho biết. Pogson cũng đồng tình với quan điểm rằng giảm dần chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp ngoại là động thái vì lợi ích của chính Trung Quốc.
Năm ngoái, các thương hiệu TV của Trung Quốc đã lần đầu vượt đối thủ Hàn Quốc, đứng đầu thế giới về doanh thu toàn cầu. Vì thế, giới chức nước này đang dần nghiêng về phía "con đẻ". Và việc giảm dần ưu đãi cho công ty ngoại sẽ còn tiếp diễn.
Từ năm 1994, các công ty ngoại đã được ưu đãi thuế. Đến năm 2007, những công ty có vốn đầu tư nước ngoài chỉ phải chịu thuế thu nhập 15%, bằng nửa so với các đối thủ nội địa.
Tuy nhiên, những năm gần đây, Bắc Kinh đã dần thắt chặt các chính sách này, với luật thuế thu nhập doanh nghiệp mới, có hiệu lực từ năm 2008. Luật này quy định cả doanh nghiệp nội và ngoại đều phải trả thuế 25%.
Bên cạnh đó, nhiều quy định không rõ ràng và lý giải bất nhất cũng được cho là nguyên nhân doanh nghiệp ngoại rời Trung Quốc.
Một khảo sát năm ngoái của hãng tư vấn Bain & Company và Phòng thương mại Mỹ (AmCham-China) tại Trung Quốc đã chỉ ra đây là 2 lý do hàng đầu ngăn cản các công ty ngoại đầu tư và phát triển tại đây. Nằm trong top lý do hàng đầu còn có chi phí nhân công cao và thiếu lao động có chất lượng.
Một phần tư thành viên AmCham-China tham gia khảo sát cho biết họ đã chuyển đi hoặc đang lên kế hoạch rời Trung Quốc cuối năm ngoái. Gần một nửa cho biết đã chuyển đến các nước đang phát triển khác ở châu Á. "Nếu các công ty nước ngoài muốn phát triển tại Trung Quốc trong tình hình này, tôi sẽ khuyên họ cân nhắc tới các thành phố hạng hai hoặc hạng ba thôi", Chong kết luận.