Chính phủ Trung Quốc đang công khai kêu gọi sự linh hoạt ở cả hai phía. Thế nhưng các quan chức cấp cao của Bắc Kinh không có kế hoạch thảo luận về hai yêu cầu lớn nhất mà chính quyền Trump đưa ra trong vài tháng qua.
Đó là khoản cắt giảm 100 tỷ USD trong thâm hụt thương mại hàng năm trị giá 375 tỷ USD của Mỹ với Trung Quốc và hạn chế kế hoạch 300 tỷ USD của Bắc Kinh dành cho việc nâng cấp công nghệ tiên tiến như trí thông minh nhân tạo, chất bán dẫn, xe điện và máy bay thương mại.
Lý do: Bắc Kinh cảm thấy nền kinh tế đã đủ lớn và đủ vững vàng để đối đầu với Mỹ.
Trung Quốc nhấn mạnh rằng đàm phán sẽ bị giới hạn và mối đe dọa thuế quan sẽ phải được loại bỏ trước khi đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Một hội thảo kéo dài ba ngày vừa kết thúc hôm 30/4 với sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc và nhiều cố vấn có ảnh hưởng thể hiện rõ quan điểm của chính phủ Trung Quốc trong vấn đề này.
Khác biệt khó gỡ bỏ
Quan điểm của Trung Quốc và Mỹ khác xa nhau đến mức các nhà lãnh đạo Trung Quốc hoài nghi hai bên có thể tìm thấy điểm chung vào cuối tuần này. Họ nêu khả năng các quan chức Trung Quốc có thể bay đến Washington trong một tháng tới để đàm phán thêm.
"Tôi không mong đợi một thỏa thuận toàn diện nào", New York Timesdẫn lời Ruan Zongze, phó chủ tịch điều hành Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, cơ quan nghiên cứu chính sách của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. "Tôi nghĩ rằng có rất nhiều kế hoạch đang được tính toán ở đây".
Bắc Kinh rất thất vọng trước những đe dọa của ông Trump áp thuế trị giá 150 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc và những ý kiến từ phương Tây cho rằng Trung Quốc yếu thế trong thương lượng.
Các quan chức Trung Quốc nghĩ rằng hệ thống chính trị một đảng của nước này và sự cầm quyền lâu dài của Chủ tịch Tập Cận Bình - đặc biệt sau khi bãi bỏ các giới hạn về nhiệm kỳ chủ tịch hồi tháng Ba - có nghĩa là Trung Quốc có thể kiên trì hơn Mỹ và ông Trump trong bất kỳ cuộc đối đầu thương mại nào.
Chính phủ Trung Quốc tin rằng với quá khứ từng là doanh nhân, ông Trump sẽ đồng ý thỏa thuận tại thời điểm nào đó. Những người tham gia hội thảo cũng tái khẳng định chính sách thương mại của Trung Quốc trước đây trong mở rộng các lĩnh vực tài chính và ôtô. Họ cũng cho rằng Trung Quốc sẵn sàng thắt chặt các quy tắc về tài sản trí tuệ của mình để thúc đẩy sự đổi mới trong đất nước cũng như bảo vệ các công nghệ nước ngoài khỏi hàng giả và sao chép bất hợp pháp.
Các quan chức Trung Quốc đã liên lạc với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, người có phản ứng tích cực trước những nỗ lực của Trung Quốc trong lĩnh vực ôtô và tài chính. Ông Mnuchin, cựu giám đốc điều hành của Goldman Sachs, sẽ tham gia vào đội ngũ quan chức của Trump ở Bắc Kinh vào cuối tuần này, đã tìm cách trấn an các nhà đầu tư đang lo ngại rằng lời qua tiếng lại giữa Washington và Bắc Kinh có thể bùng nổ thành một cuộc chiến thương mại toàn diện.
Một công nhân chế tạo sợi carbon trên dây chuyền sản xuất tại thành phố Liên Vân Cảng, thuộc tỉnh Giang Tô của Trung Quốc. Vật liệu này được sử dụng trong hàng không vũ trụ và nhiều hoạt động khác. Ảnh: AFP/Getty.
Quan điểm của Trung Quốc là mất cân bằng thương mại song phương phát sinh từ khác biệt về tỷ lệ tiết kiệm. Các hộ gia đình ở Trung Quốc tiết kiệm khoảng hai phần năm thu nhập của họ. Người Mỹ, trung bình gần như không tiết kiệm. Vì vậy, tiền từ Trung Quốc có xu hướng chảy vào Mỹ, qua việc mua nhà máy, công ty công nghệ, bất động sản và nhiều thứ khác, còn người Mỹ thì chi tiền để mua hàng hóa từ Trung Quốc. Nhiều nhà kinh tế Mỹ chia sẻ quan điểm này.
Ngược lại, nhiều luật sư thương mại, các nhà lập pháp và ông Trump cho rằng thâm hụt thương mại bắt nguồn từ những hành vi không công bằng, bao gồm các khoản vay giá rẻ cho các nhà xuất khẩu từ những ngân hàng do nhà nước kiểm soát.
Trung Quốc sẵn sàng thảo luận thu hẹp thâm hụt thương mại hàng năm, nhưng lại muốn làm điều này bằng cách mua thêm hàng công nghệ cao của Mỹ. Washington từ lâu đã chặn những giao dịch như vậy vì lo ngại rằng chúng có thể có giá trị quân sự. Trung Quốc cũng sẵn sàng mua thêm dầu, khí tự nhiên, than đá và các hàng hóa khác từ Mỹ, và giúp tài trợ cơ sở hạ tầng cần thiết khác để chuyển chúng về Trung Quốc.
Made in China 2025
Một quan chức cao cấp của chính phủ Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh không muốn đàm phán với Mỹ về bất kỳ hạn chế nào trong kế hoạch hiện đại hóa đất nước Made in China 2025, bao gồm hỗ trợ quy mô lớn của chính phủ để ưu tiên các ngành công nghiệp sản xuất công nghệ tiên tiến. Bắc Kinh cho rằng những yêu cầu của Mỹ là nỗ lực để ngăn chặn sự phát triển kinh tế và tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.
Đức và các nước khác cũng có chính sách công nghiệp, và Mỹ đã không phản đối họ, quan chức này nói thêm. Các quan chức Mỹ và châu Âu thì lập luận rằng những chính sách của các quốc gia ngoài Trung Quốc bị giới hạn hơn nhiều và cũng ít tham vọng hơn.
Các cố vấn và quan chức khác nói rằng Mỹ đã hiểu lầm chính sách công nghiệp Made in China 2025. Họ bày tỏ hy vọng có thể giải quyết sự khác biệt bằng cách giải thích kỹ hơn và điều chỉnh chút ít kế hoạch này - một lập trường không giúp xoa dịu chính quyền Trump.
Mỹ chịu thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc trong thời gian dài. Đồ họa: AFP.
Một chủ đề mà các quan chức đều tránh trong suốt buổi hội thảo, thậm chí ngay cả khi các cố vấn gợi ý: liệu Trung Quốc có thể cố gắng liên kết các tranh chấp thương mại với các vấn đề an ninh quốc gia hay không.
Trung Quốc đã tham gia sâu vào việc tạo sức ép quốc tế lên Triều Tiên để nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, một vấn đề quan trọng đối với chính quyền Trump. Bắc Kinh cũng muốn một ngày nào đó khẳng định quyền kiểm soát Đài Loan mà Bắc Kinh coi là lãnh thổ nổi loạn.
Ở một số khía cạnh, lập trường cứng rắn của các quan chức tại hội thảo cũng phản ánh thái độ của người Trung Quốc.
Vào giữa tháng 4, Washington cấm các công ty Mỹ bán đồ của họ cho nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc là ZTE. Động thái này được xem là có khả năng làm tê liệt công ty Trung Quốc, vốn cần chip và phần mềm của Mỹ để cung cấp năng lượng cho các điện thoại thông minh và thiết bị mà họ bán trên toàn thế giới.
Các quan chức Washington đã chỉ ra rằng ZTE nhiều lần vi phạm lệnh trừng phạt chống lại Iran và Triều Tiên, nhưng nhiều người ở Trung Quốc coi đó là lời nhắc nhở từ Mỹ rằng các ngành kinh tế Trung Quốc vẫn còn dựa vào hàng hóa Mỹ. Phần lớn kế hoạch Made in China 2025 là nhằm giảm sự phụ thuộc đó.
Trường hợp của ZTE "đã thay đổi rất nhiều suy nghĩ của người Trung Quốc", ông Ruan, từ Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc cho biết. "Trong quá khứ, mọi người thấy chúng tôi phụ thuộc lẫn nhau".