Trung Quốc sẽ rà soát lại toàn bộ vấn đề đặc quyền, đặc lợi tại các DNNN lớn
Tại đó, nhiều ủy viên Trung ương đồng thời là lãnh đạo cấp cao các DNNN lớn của Trung Quốc được chất vấn về những đóng góp của doanh nghiệp mình đối với nền kinh tế, với ngân sách nhà nước và an sinh xã hội.
Các ông chủ DNNN này được Đảng chọn báo cáo và nhiều tháng gần đây đã phải tham gia các vòng “phê bình và tự phê bình” dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Tập Cận Bình.
“Nhiều người trong số họ gần đây rất hay phàn nàn về việc không có thời gian để điều hành doanh nghiệp, do phải bù đầu với hàng ngàn câu chữ trong bản kiểm điểm của mình”, một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Phương Tây, người thường xuyên làm việc với lãnh đạo các DNNN lớn cho biết. Theo các nhà phân tích thì đây là một trong những động thái của tân Tổng bí thư nhằm khẳng định quyền lực và siết lại kỷ cương trong Đảng.
“Chủ tịch Tập đã dành nhiều thời gian để tập trung giải quyết các vấn đề của Đảng”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nói thêm. “Trong đó, các vấn đề về chính trị và tư tưởng được nhấn mạnh. Nhưng ở Trung Quốc, mọi thứ đều có thể cùng tồn tại. Việc tăng cường sức mạnh của Đảng không đồng nghĩa với việc Tổng bí thư Tập sẽ không tiến hành các chương trình cải cách kinh tế”.
Cùng với việc cải cách chế độ cư trú - vốn đang bất cập, khiến 260 triệu công nhân tha hương của Trung Quốc bị phân biệt đối xử - hy vọng của nhiều nhà phân tích và học giả ủng hộ cải cách là Hội nghị Trung ương 3 sẽ rà soát lại toàn bộ vấn đề đặc quyền, đặc lợi tại các DNNN lớn nhất của nước này.
“Cải cách DNNN phải trở thành chủ đề trọng tâm của Hội nghị. Không thể không giải quyết vấn đề này”, ông Ma Guangyuan, một nhà kinh tế ở Bắc Kinh nói. “Vấn đề lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt là một cuộc chơi kinh tế không sòng phẳng”.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát tỏ ra nghi ngờ về khả năng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc siết chặt kỷ luật đối với một trong những cơ sở quyền lực quan trọng nhất của mình.
“Viễn thông là một lĩnh vực độc quyền truyền thống của Chính phủ”, Gao Minghua, Giám đốc Trung tâm Quản trị doanh nghiệp của Đại học Bắc Kinh nói. “Công chúng không hài lòng với giá cao, tốc độ mạng chậm và dịch vụ nghèo nàn. Nhưng tôi không nghĩ sẽ có bất kỳ sự đột phá nào trong lĩnh vực này, khi mà bộ ba nhà cung cấp dịch viễn thông đều do Nhà nước kiểm soát”.
Các ngành bị công chúng thường xuyên chỉ trích khác là hàng không, với “nạn” hoãn chuyến; ngân hàng, với huy động lãi suất thấp để tài trợ vốn rẻ cho các DNNN “sân sau”; các công ty năng lượng, với sự liên đới đến tình trạng ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh và các thành phố lớn khác.
Lãnh đạo điều hành ở nhiều DNNN có một phần vốn được niêm yết tại các TTCK Hồng Kông và Thượng Hải thường xuyên “biến mất” trong thời gian diễn ra các cuộc điều tra tham nhũng do Ủy ban Thanh tra, Kỷ luật của Đảng chỉ đạo. Sau mỗi sự kiện như vậy, các NĐT thường được trấn an rằng, việc bắt giữ các nhân viên cao cấp “sẽ không có ảnh hưởng bất lợi đến tập đoàn”.
Tuy nhiên, nhiều vụ phá sản DNNN có thể bắt nguồn từ những chỉ đạo chính sách của Chính phủ, khi kỳ vọng các công ty nhà nước phục vụ cho lợi ích của mình - chẳng hạn các mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.
Theo Andrew Batson, Giám đốc nghiên cứu của GK Dragonomics ở Bắc Kinh, trong khi tài sản của các DNNN tăng gấp 3 trong giai đoạn 2006 - 2008, nhờ gói kích thích trị giá 4 tỷ tệ của Chính phủ, thì tỷ lệ doanh thu trên tài sản lại giảm từ 5% xuống còn 3%.
“Tăng trưởng tổng tài sản ở các DNNN vẫn rất cao từ năm 2007, dù tỷ lệ lợi nhuận trên tài sản giảm sút”, ông Batson nói. “Áp lực chính trị khiến các DNNN tiến hành đầu tư mà phớt lờ các tín hiệu từ thị trường”.
Ví dụ, nhà mạng lớn của nước này đã bị buộc phải phát triển một tiêu chuẩn 3G riêng, không tương thích với các điện thoại thông minh của Apple, trong khi quân đội từ chối mở thêm không phận cho các tuyến bay thương mại, khiến tình trạng hoãn chuyến liên tục xảy ra với các hãng hàng không nước này.
“Những lĩnh vực đã tăng hiệu quả kinh doanh trông thấy, sau khi Chính phủ rút bớt sự tham gia, là công nghệ thông tin, thiết bị y tế và bán lẻ”, một NĐT cổ phiếu tư nhân ở Thượng Hải nói. “Chúng tôi tin vào thị trường và giữ khoảng cách với các công ty mà số phận phụ thuộc vào các chính sách của Chính phủ. Với chúng tôi, đó là một lĩnh vực rủi ro”.
>> Sơ đồ 3-8-3 cải cách kinh tế Trung Quốc