Sau khi hãm đà rơi trong một vài ngày, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ lại lao dốc trong phiên cuối tuần khi tòa án Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ đề nghị thả mục sư người Mỹ Andrew Brunso và Mỹ cảnh báo sẽ có nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế hơn nữa với Ankara.
Dù cuộc khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng trở lại, nhưng phố Wall vẫn tăng điểm trong phiên cuối tuần qua khi thị trường được bù đắp bởi thông tin Mỹ và Trung Quốc sẽ trở lại bàn đàm phán thương mại vào cuối tháng 8 này.
Ngoài ra, thị trường phố Wall còn được hỗ trợ bởi một quan chức kinh tế Mexico nói với các phóng viên rằng, các cuộc đàm phán thương mại giữ Mỹ và Mexico đã “tiến triển tốt”.
Kết thúc phiên 17/8, chỉ số Dow Jones tăng 110,59 điểm (+0,43%), lên 25.669,32 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,44 điểm (+0,33%), lên 2.850,13 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 9,81 điểm (+0,13%), lên 7.816,33 điểm.
Với các phiên tăng điểm liên tiếp nhờ sự hỗ trợ của kết quả kinh doanh và thông tin về cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ, Dow Jones và S&P 500 đã hồi phục trở lại, trong khi Nasdaq quay đầu giảm điểm do chịu tác động tiêu cực của nhóm cổ phiếu công nghệ. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones tăng 1,41%, S&P 500 tăng 0,59%, trong khi Nasdaq giảm 0,29%.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại đảo chiều giảm nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần khi nỗi lo về cuộc khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ trở lại với giới đầu tư do căng thẳng giữa nước này với Mỹ gia tăng.
Kết thúc phiên 17/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 2,21 điểm (+0,03%), lên 7.558,59 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 26,62 điểm (-0,22%), xuống 12.210,55 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 4,08 điểm (-0,08%), xuống 5.344,93 điểm.
Chứng khoán châu Âu tiếp tục có tuần giảm mạnh, trong đó chỉ số FTSE 100 giảm 1,41%, chỉ số DAX 30 tiếp tục giảm 1,72% và chỉ số CAC 40 tiếp tục giảm 1,29%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông hồi phục trở lại, trong đó chứng khoán Hồng Kông chấm dứt chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp nhờ kỳ vọng vào cuộc đàm phán thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc vào cuối tháng. Trong khi đó, thông tin về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung chỉ giúp chứng khoán Trung Quốc hãm bớt đà giảm, chứ không thể giúp thị trường này tránh khỏi phiên giảm cuối tuần xuống mức thấp nhất 31 năm do nhà đầu tư phản ứng về scandal vác-xin.
Kết thúc phiên 17/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 78,34 điểm (+0,35%), lên 22.270,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 113,35 điểm (+0,42%), lên 27.213,14 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 36,23 điểm (-1,34%), xuống 2.668,97 điểm.
Dù hồi phục trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông tiếp tục có tuần giảm thứ 3 liên tiếp với mức giảm lần lượt là 0,12% và 0,56%. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite sau khi đảo chiều hồi phục 2% tuần trước đó, đã nhanh chóng quay đầu giảm 4,52% trong tuần qua.
Trên thị trường vàng, bất chấp cuộc khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng trở lại, nhưng đồng USD lại quay đầu giảm mạnh từ mức cao nhất 14 tháng, hỗ trợ cho giá vàng hồi phục mạnh trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 17/8, giá vàng giao ngay tăng 10,9 USD (+0,93%), lên 1.184,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 7,8 USD/ounce (+0,66%), lên 1.191,8 USD/ounce.
Không như kỳ vọng của giới phân tích, giá vàng tiếp tục có tuần giảm với mức giảm thậm chí giảm mạnh hơn nhiều so với tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 2,20% và giá vàng giao tháng 12 giảm 2,25%.
Dù giá vàng tiếp tục không như kỳ vọng, nhưng giới phân tích vẫn đặt niềm tin vào xu hướng giá vàng trong tuần mới, dù không lớn như tuần trước, trong khi giới đầu tư lại có cái nhìn tiêu cực hơn nhiều.
Cụ thể, trong 14 chuyên gia trả lời tuần này, có 8 người, chiếm 57% dự báo giá vàng sẽ hồi phục trở lại, thấp hơn so với mức 67% so với tuần trước đó; 5 người, chiếm 36% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục giảm, cao hơn mức 20% của tuần trước và 1 người, chiếm 7% giữ quan điểm trung lập.
Trong khi đó, trong 2.411 lượt nhà đầu tư trả lời trực tuyến, có 414 người, chiếm 19% dự báo giá vàng sẽ hồi phục, thấp hơn nhiều mức 45% của tuần trước, trong khi có 1.796 lượt người, chiếm 74% dự báo giá vàng sẽ giảm, cao hơn nhiều mức 45% của tuần trước và 150 lượt, chiếm 6% giữ quan điểm trung lập.
Giá dầu thô cũng tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ trong phiên cuối tuần qua nhờ được hỗ trợ bởi việc Mỹ trừng phạt Iran.
Kết thúc phiên 17/8, giá dầu thô Mỹ tăng 0,45 USD (+0,68%), lên 65,91 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,40 USD (+0,56%), lên 71,83 USD/thùng.
Dù tăng điểm trong 2 phiên cuối tuần, nhưng giá vàng vẫn không tránh khỏi có tuần giảm tiếp theo, thậm chí mức giảm còn mạnh gấp đôi tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 2,54%, còn giá dầu thô Brent giảm 1,35%.