Giá dầu hiện được giao dịch quang ngưỡng 30 USD/thùng, một con số không hề “dễ chịu” đối với các nhà sản xuất “vàng đen” khi nó thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh 114 USD/thùng ghi nhận hồi tháng 6/2014. Trước tình hình đó, đa dạng hóa các nền kinh tế truyền thống và giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ đã trở thành vấn đề trọng tâm tại khu vực Trung Đông.
Bộ trưởng Năng lượng Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) Suhail Bin Mohammed Al Mazrouei cho biết, quốc gia vùng Vịnh này đang chuyển hướng thoát khỏi sự phụ thuộc vào “vàng đen”. Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sỹ), ông Al Mazrouei nói: “Tại UAE, chúng tôi đang đa dạng hóa các nguồn năng lượng, cũng như đa dạng hóa các nguồn thu nhập và phát triển nền kinh tế của mình theo hướng gia tăng sự đóng góp của lĩnh vực phi dầu mỏ qua từng năm”.
Chính phủ UAE cũng chuẩn bị thảo luận về các giải pháp để những tác động từ biến động dầu mỏ không ảnh hưởng quá nhiều tới nguồn thu ngân sách của quốc gia này.
Bản thân Bộ trưởng Al Mazrouei vẫn cho rằng, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không phải là đối tượng để chỉ trích về sự xuống giá của dầu mỏ do thị trường đang trong tình cảnh nguồn cung vượt quá nhu cầu trầm trọng. Ông cho biết, OPEC chỉ sản xuất khoảng 1/3 sản lượng dầu mỏ toàn cầu, trong khi 2/3 còn lại đến từ các khu vực khác trên thế giới.
Thị trường dầu mỏ vẫn xuất hiện những đồn đoán OPEC cuối cùng có thể thay đổi chiến lược giữ nguyên sản lượng của mình, song ông Al Mazrouei lạc quan tin tưởng rằng, giá dầu sẽ trải qua giai đoạn tự điều chỉnh phù hợp mà không cần sự can thiệp của OPEC. Nửa đầu năm 2016, thị trường dầu mỏ vẫn sẽ rất khó khăn, song giai đoạn điều chỉnh sẽ diễn ra trong nửa cuối năm.
Trong khi đó, ngày 25/1, một quốc gia vùng Vịnh khác là Ả Rập Xê út đã công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm chuyển đổi mô hình kinh tế để đối phó hiệu quả với tình trạng giá dầu xuống thấp kỷ lục như hiện nay. Theo đó, quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ ở Trung Đông này sẽ chú trọng phát triển các ngành công nghiệp khác nhau, từ công nghệ thông tin đến chăm sóc sức khỏe, du lịch, đóng tàu.
Việc giá dầu chạm đáy của hơn một thập niên gây sức ép lớn đối với nền kinh tế Ả Rập Xê út, khiến thâm hụt ngân sách hàng năm của nước này lên tới gần 100 tỷ USD. Đây được coi là thách thức kinh tế lớn nhất đối với chính quyền Riyadh trong nhiều năm qua. Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Ả Rập Xê út Tawfiq al-Rabiah cho biết, nước này đang đối mặt với tình huống giống như Hà Lan trước đây, với lĩnh vực dầu mỏ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu của nền kinh tế, và bây giờ là lúc Riyadh phải hành động để chuyển đổi mô hình kinh tế.
Theo chính sách cải cách kinh tế mới, Ả Rập Xê út sẽ giảm sự phụ thuộc vào giá dầu và đưa ra các biện pháp nhằm giảm áp lực việc làm trong khu vực công. Tăng trưởng và tạo việc làm sẽ được chuyển sang khu vực tư nhân, với sự trợ giúp của nhà nước trong giai đoạn ban đầu. Các cơ sở thuộc hệ thống chăm sóc y tế quốc gia sẽ được chuyển đổi thành các công ty thương mại độc lập.
Một số quốc gia Trung Đông khác như Kuwait, Bahrain, Oman và Qatar cũng đang cân nhắc tăng thuế để bù đắp thâm hụt ngân sách khi nguồn thu từ dầu mỏ tụt dốc.
Không thể phủ nhận giá dầu thấp đã đem lại “nỗi đau” cho các nền kinh tế Trung Đông, song giới phân tích cũng chia sẻ quan điểm, đây là cơ hội để khu vực này thực thi những cải cách và chuyển đổi mạnh mẽ, hướng tới tăng trưởng bền vững hơn.
Giám đốc điều hành Ủy ban kinh tế Bahrain, Khalid Al Rumaihi nói: “Khu vực Trung Đông đang đối mặt với nhiều thách thức từ dầu mỏ. Bahrain cũng như các quốc gia lân cận trong khu vực cần củng cố tình hình tài chính, đa dạng hóa kinh tế và đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng. Chúng ta cần sự sáng tạo và cho phép đổi mới mạnh mẽ nền kinh tế. Đây thực sự là cơ hội chuyển đổi dù dầu mỏ có xuống giá hay không”.