Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh cùng với rủi ro trục lợi trong mảng bảo hiểm xe cơ giới khiến tỷ lệ tổn thất tăng cao đang làm nhiều doanh nghiệp ngán ngại.
"Dẫu vậy, do đây là sản phẩm bán lẻ chủ đạo, mang lại doanh thu rất lớn nên hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn định hướng kinh doanh hiệu quả đối với nghiệp vụ này trong năm 2018, nhất là là các sản phẩm liên quan đến bảo hiểm vật chất xe…", vị lãnh đạo này nói.
Theo vị lãnh đạo này, mỗi doanh nghiệp đều có một phương pháp quản lý khác nhau, theo nghiệp vụ hoặc theo doanh thu. Tuy nhiên, khi cạnh tranh trên thị trường ngày một gay gắt, để đảm bảo thị phần, không ít doanh nghiệp tiến hành mở rộng điều khoản bảo hiểm, hạ phí xuống mức thấp hơn biểu phí đã đăng ký với cơ quan quản lý...
"Các hình thức cạnh tranh không lành mạnh như vậy chỉ giải quyết vấn đề trước mắt. Nếu muốn ổn định, bền vững, bên cạnh các sản phẩm truyền thống, doanh nghiệp cần phải đưa ra các giải pháp, chiến lược phát triển sản phẩm mới, từ đó tạo nguồn doanh thu mới...", vị lãnh đạo này nhìn nhận.
Cũng theo vị lãnh đạo này, cũng bởi phần lớn khách hàng thường quan tâm đến mức phí bảo hiểm nên dễ dàng "đồng thuận" khi doanh nghiệp chào mức phí thấp. Hệ lụy của việc chú trọng mức phí hơn các điều khoản bảo hiểm là dễ xảy ra tranh chấp giữa khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm, bởi trên thực tế, nhiều hãng bảo hiểm đã khoán toàn bộ chi phí, kể cả chi phí bồi thường cho đơn vị thành viên, nếu có tổn thất xảy ra thì việc giải quyết bồi thường sẽ "vất vả" hơn cho khách hàng.
Bên cạnh bảo hiểm xe cơ giới, một mảng hoạt động truyền thống khác của các doanh nghiệp phi nhân thọ là bảo hiểm tài sản kỹ thuật hay bảo hiểm hàng hải cũng chưa có tín hiệu khởi sắc. Thậm chí, tại một số hãng bảo hiểm, việc triển khai bảo hiểm tàu cá năm qua không những không đạt kế hoạch, mà còn chịu lỗ nặng vì rủi ro lớn, nên nhiều khả năng sẽ phải có sự điều chỉnh trong năm nay.
Bảo Minh cho biết sẽ hạn chế khai thác nghiệp vụ bảo hiểm tàu cá trong năm 2018 và điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn doanh thu khoảng 100 tỷ đồng. Bảo hiểm hàng hải nói chung, nhóm nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu nói riêng, vốn là một trong các mảng hoạt động truyền thống của Bảo Minh, nhưng không ghi nhận sự tăng trưởng những năm gần đây, trong khi việc cạnh tranh phí và chi phí nghiệp vụ vốn là thách thức lớn.
Để tìm kiếm nguồn doanh thu phí mới, thời gian qua, Bảo Minh đã phát triển thêm nhiều kênh bán hàng khác như phân phối qua ngân hàng, với các sản phẩm thiết kế riêng cho từng nhóm đối tượng khách hàng của ngân hàng; sản phẩm bảo hiểm con người cũng được mở rộng thông qua việc bán trên kênh trực tuyến liên kết với các tổ chức tài chính, bên cạnh mở rộng hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước khai thác mạng lưới bán vé hàng không nhằm phát triển sản phẩm cho nhóm dịch vụ du lịch…
Tại BIC, hiện doanh thu phí bảo hiểm qua ngân hàng mẹ BIDV chiếm khoảng 48-52% tổng doanh thu. Đây là điều mơ ước của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng với một công ty bảo hiểm thuộc ngân hàng, con số này cho thấy năng lực "tự khai thác" còn yếu. Để cải thiện doanh thu, ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc BIC cho biết, BIC sẽ đẩy mạnh khai thác nguồn khách hàng bên ngoài trong năm nay, cụ thể là mở rộng bán chéo sản phẩm bảo hiểm qua một số ngân hàng đối tác khác.
Do thị trường khó khăn trong việc khai thác các sản phẩm truyền thống, trong khi mức độ cạnh tranh ở mảng bán lẻ ngày một lớn, từ một vài năm trước, một số doanh nghiệp bảo hiểm đã tìm đến thị trường ngách để phát triển những sản phẩm mới, trong đó đặc biệt chú trọng việc hợp tác với các đối tác chiến lược để cùng khai thác và cung cấp những dịch vụ khép kín cho khách hàng đôi bên.
Thực tế, thời gian qua, một số doanh nghiệp phi nhân thọ đã hợp tác với các công ty tài chính để phát triển sản phẩm. Theo giới chuyên gia, đây là kênh bán hàng mới cho doanh thu khá cao, trong khi tỷ lệ rủi ro thấp.
"Tuy nhiên, khi nguồn thu đến từ kênh công ty tài chính chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong cấu trúc doanh thu, thì cũng là lúc những doanh nghiệp bảo hiểm đang phát triển mạnh mảng này cần phải thận trọng hơn, bởi một khi có thay đổi về chính sách tín dụng hay xuất hiện sự cạnh tranh không sòng phẳng từ các hãng khác, sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến cơ cấu doanh thu", một chuyên gia khuyến nghị.