Trục lợi bảo hiểm, DN đang “sống chung với lũ”

Trục lợi bảo hiểm, DN đang “sống chung với lũ”

(ĐTCK) Tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” bởi thiếu sự phối hợp trong ngành đã khiến vấn nạn trục lợi bảo hiểm diễn ra như một căn bệnh mãn tính của ngành bảo hiểm. Vấn đề là hiện chưa có thuốc đặc trị chứng bệnh trầm kha này.

Đã có không ít các cuộc hội thảo, họp bàn về trục lợi bảo hiểm nhằm đánh giá lại những hành vi, dấu hiệu trục lợi để đưa ra biện pháp ngăn chặn. Hàng trăm kiến nghị, đề xuất phòng chống và hơn hết là kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền đưa vào văn bản pháp quy để xử lý nghiêm minh hành vi trục lợi bảo hiểm, thậm chí kiến nghị Quốc hội bổ sung vào Bộ luật Hình sự các tội danh gian lận trong lĩnh vực bảo hiểm. Dẫu vậy, đến nay, tình trạng trục lợi bảo hiểm vẫn diễn ra như “cơm bữa”, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây nhiều khó khăn cho công tác xác minh, giải quyết bồi thường bảo hiểm. Trong lúc chờ đợi một văn bản pháp quy ghi nhận trục lợi bảo hiểm như một tội danh hình sự thì một loạt giải pháp vẫn được các DN đề đạt với cơ quan quản lý, bao gồm cả các biện pháp mang tính tạm thời.

 

Cần tăng tính hợp tác

Bản thân Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà - người phụ trách mảng bảo hiểm, tại Hội nghị ngành bảo hiểm mới đây cũng thừa nhận rằng, để kiểm soát chặt chẽ vấn đề trục lợi bảo hiểm quả là rất khó, đòi hỏi phải có các giải pháp kiểm soát phối hợp đồng bộ mới có thể phần nào hạn chế được.

Báo cáo về vấn đề này, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng thẳng thắn chỉ ra, do các DN bảo hiểm chưa có sự phối hợp chia sẻ thông tin dẫn đến chưa thể ngăn chặn được tình trạng trục lợi. Tất nhiên, cùng với đó cũng có vô vàn lý do khác.

Không có tham vọng loại bỏ hoàn toàn hành vi trục lợi bảo hiểm, mà chỉ có thể hạn chế và học cách “cùng chung sống”, không ít DN đồng quan điểm với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ, các công ty bảo hiểm phải nỗ lực để giảm thiểu các trường hợp trục lợi bảo hiểm trong nội bộ DN cũng như trong ngành. Bởi trên thực tế, theo ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, trục lợi bảo hiểm gia tăng và diễn ra trên quy mô rộng đang gây hậu quả rất lớn cho DN bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm và cho toàn xã hội.

“Trục lợi diễn ra trong cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, trong mỗi lĩnh vực, hình thức biểu hiện là khác nhau, càng ngày càng phức tạp và tinh vi. Trục lợi bảo hiểm có thể xảy ra tại bất cứ công đoạn nào trong chu trình bảo hiểm, từ khai thác, giao kết hợp đồng, giám định, khiếu nại bồi thường và giải quyết bồi thường và do nhiều đối tượng khác nhau thực hiện", ông Hoan nhấn mạnh.

 

Trong khi chờ luật hóa tội danh trục lợi, cần…

Thứ nhất, xây dựng khung pháp lý ở cấp Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm. Là DN bảo hiểm sở hữu lượng đại lý lớn nhất thị trường và có số vụ trục lợi bảo hiểm không nhỏ được thống kê hàng năm, phòng chống trục lợi bảo hiểm là mối quan tâm hàng đầu của Prudential tại các cuộc họp bàn có sự góp mặt của cơ quan quản lý.

Ông Nguyễn Khắc Thành Đạt, Phó tổng giám đốc Prudential tại Đại hội thường niên Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam hồi tháng 4 vừa qua cho rằng, trong khi chính thức chờ luật hóa tội danh trục lợi bảo hiểm, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cần xây dựng một văn bản mang tính pháp lý để có chế tài với các hành vi này trong nội bộ ngành.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Việt, Phó Trưởng phòng Pháp chế và tuân thủ, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Vietinbank Aviva cũng kiến nghị Bộ Tài chính cần ban hành các quy định pháp luật để tăng cường kiểm soát hoạt động của các đại lý bảo hiểm, giống như nhiều nước phát triển cũng như các nước trong khu vực đã thực hiện.

“Các nước đã có ‘Luật về tư vấn tài chính’ (Financial Advisory Act) quy định chi tiết về hoạt động tư vấn tài chính (trong đó có hoạt động của đại lý bảo hiểm), bao gồm các yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ, hướng dẫn bán hàng, thực hiện các chương trình bán hàng; trao quyền cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với người vi phạm các quy định này. Điều này đã góp phần hạn chế các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tư vấn tài chính nói chung, tư vấn bảo hiểm nói riêng, đồng thời nâng cao hiệu quả, tinh thần tuân thủ pháp luật của đại lý. Thiết nghĩ, đây là mô hình hiệu quả mà Việt Nam có thể tham khảo”, ông Việt nói.

Thứ hai, cần quy định rõ khái niệm về trục lợi bảo hiểm. Theo ông Đạt, các văn bản pháp lý cần hướng tới việc cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp liên quan đến trục lợi bảo hiểm, nhất là việc quy định rõ khái niệm về trục lợi bảo hiểm; các hành vi được coi là trục lợi bảo hiểm; nghĩa vụ của các đối tượng có liên quan trong quá trình thực hiện bảo hiểm nhằm phòng chống trục lợi bảo hiểm; quy định các chế tài đối với các hành vi trục lợi bảo hiểm theo các mức độ xử phạt vi phạm hành chính...; quy định tiêu chuẩn ngành nghề đối với cán bộ giám định bồi thường bảo hiểm.

Ông Trịnh Thanh Hoan nhất trí với kiến nghị này và cho biết, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm sẽ quy định tiêu chuẩn ngành nghề đối với cán bộ giám định bồi thường bảo hiểm, cùng với đó là nâng cao năng lực quản lý nhà nước về trục lợi bảo hiểm. Theo đó, sẽ tăng cường các cuộc thanh tra, kiểm tra toàn diện và kiểm tra theo chuyên đề, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; Tăng cường số lượng và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ làm công tác giám sát; Hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ thông tin của cơ quan quản lý nhà nước. Tiến tới xây dựng một website riêng của ngành bảo hiểm, trong đó sẽ công khai hóa danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm và bị xử lý liên quan đến trục lợi bảo hiểm.

 

Cần sự chung tay

Về các giải pháp phòng chống trục lợi sắp tới, ông Hoan cho rằng, đấu tranh chống trục lợi bảo hiểm không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành bảo hiểm, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội; đòi hỏi có sự tham gia, ủng hộ tích cực của các cơ quan công quyền và mỗi người dân. Do vậy, để ngăn chặn, kiểm soát tình trạng trục lợi bảo hiểm,
cần thiết phải thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Với các cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm ngoài, bên cạnh việc tập trung công tác quản lý nội bộ ngành, cũng cần tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan (Bộ Công an, Bộ Y tế…) trong việc triển khai thực hiện pháp luật kinh doanh bảo hiểm thông qua việc ký kết các văn bản liên ngành. Trên cơ sở đó, tạo cơ sở pháp lý cho DN bảo hiểm tiếp cận, phối hợp trong việc giải quyết bồi thường bảo hiểm, chống trục lợi bảo hiểm; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức của người dân và xã hội trong việc phát hiện, phòng chống các vụ việc trục lợi bảo hiểm.

Ông Hoan cũng đề xuất các cơ quan nhà nước khác có liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Công an cần nghiên cứu, xem xét, bổ sung, chi tiết hóa các hành vi trục lợi bảo hiểm trong các văn bản pháp luật liên quan để nâng cao tính răn đe trong việc thực thi pháp luật; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm và các DN bảo hiểm trong việc triển khai thực hiện pháp luật kinh doanh bảo hiểm và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho người tham gia bảo hiểm.

Cùng với đó, người đứng đầu Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho rằng, vai trò của từng DN bảo hiểm là rất quan trọng. Chỉ có một hệ thống quản trị tốt, chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm, DN mới có thể hạn chế vấn nạn trục lợi bảo hiểm ngay tại chính đơn vị mình.

 

Trong khối bảo hiểm phi nhân thọ: tổng số vụ trục lợi bảo hiểm giai đoạn 2007 - 2011 là 3.973 vụ với tổng số tiền trục lợi là 149,9 tỷ đồng; Trục lợi bảo hiểm tập trung nhiều vào nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khoẻ và tai nạn con người. Bảo Việt là DN bảo hiểm xảy ra nhiều vụ trục lợi nhất trong giai đoạn 2007 - 2011, với tổng số 3.440 vụ, tổng số tiền trục lợi bảo hiểm là 18,7 tỷ đồng. Thứ hai là PVI với 227 vụ trục lợi, tổng số tiền là 4,9 tỷ đồng. PJICO là DN bảo hiểm có số vụ trục lợi bảo hiểm đứng thứ ba (184 vụ), tuy nhiên số tiền trục lợi bảo hiểm lại rất lớn 103,7 tỷ đồng.

 

Với khối bảo hiểm nhân thọ: tổng số vụ trục lợi bảo hiểm giai đoạn 2007 - 2011 là 40.731 vụ, tổng số tiền trục lợi là 261,8 tỷ đồng. Trục lợi bảo hiểm chủ yếu xảy ra ở nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe; bảo hiểm hỗn hợp và bảo hiểm trọn đời. Prudential xảy ra nhiều vụ trục lợi nhất: 39.279 vụ (chiếm 96% số vụ trục lợi của thị trường nhân thọ) và tổng số tiền bị trục lợi cũng lớn nhất với 162 tỷ đồng (chiếm 62% số tiền bị trục lợi của thị trường bảo hiểm nhân thọ).