Doanh nhân này mừng, một mặt vì Thủ tướng đã đi thẳng vào vấn đề mà lâu nay, doanh nghiệp than phiền nhiều. Đó là tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; thậm chí đẩy việc lên cấp trên hoặc các cơ quan khác… của một bộ phận cán bộ, công chức, khiến nhiều công việc bị đình trệ.
Mặt khác, nỗi lo còn rất lớn, bởi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Quy chế làm việc của Chính phủ đã quy định rất rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp chính quyền, từ Trung ương đến cơ sở, nhưng trên thực tế, việc thực hiện lại chưa thông suốt, đến mức Thủ tướng phải nhắc nhở.
“Nếu không xoay chuyển được tình hình, thì có lẽ, mọi việc sẽ còn khó khăn”, ông Hoàn tâm tư.
Là đơn vị tham gia chuỗi cung ứng cho nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ông rất lo khi đơn hàng mà công ty ông nhận được giảm nhiều, bắt đầu từ tháng 11-12 năm ngoái đến giờ. Ông càng lo khi các quy định về xây dựng nhà xưởng trong khu công nghiệp, từ phòng cháy chữa cháy, môi trường… rất phức tạp, nhiều khi không thể triển khai được. Vấn đề là các doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều, nhưng lại chậm được xử lý.
Thậm chí, phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023, do Trường đại học Kinh tế quốc dân tổ chức cuối tuần qua, ông Hoàn nói “không dám chắc các ý kiến của mình có được lắng nghe”, nhưng ông vẫn cố gắng lên tiếng vì khó khăn đã rất lớn, không thể mãi để doanh nghiệp tìm các chính sách hỗ trợ, cải cách môi trường kinh doanh trên… tivi.
Các chuyên gia kinh tế rất cảm thông, chia sẻ những lo lắng của doanh nghiệp khi khu vực nhà nước không hành động kịp thời, không sẵn sàng đối diện với khó khăn, thách thức để đưa ra giải pháp phù hợp.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, khi bàn tới tình hình kinh tế quý I/2023 đã nhắc đến tình trạng gia tăng số lao động mất việc trong khu vực doanh nghiệp, với gần 149.000 người, cao hơn nhiều so với con số 118.000 lao động mất việc trong quý IV/2022. Số lao động bị giãn việc do doanh nghiệp thiếu đơn hàng trong quý I/2023 cũng ở mức cao, với khoảng 294.000 người, trong đó chủ yếu là lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 83,8%).
Cùng với những số liệu kinh tế vĩ mô đáng lo ngại, từ sự sụt giảm nghiêm trọng của các “đầu tàu”, ông Hiển lo ngại, mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm nay - nếu không quyết liệt, chủ động trong thực hiện và linh hoạt trong điều hành - thì sẽ là thách thức rất lớn.
Cũng phải nói thêm, mặc dù Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2023 khoảng 5,8%, sẽ quay lại mức 6,9% vào năm 2024, song ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam đã gửi đi thông điệp rất trực diện rằng, đang nhìn thấy nhiều dấu hiệu tiêu cực hơn, ở cả tình hình kinh tế thế giới và những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam, vì vậy, khả năng tăng trưởng cao hơn, ít nhất là 6,6% của kinh tế Việt Nam vào các quý cuối năm thực sự không dễ dàng.
Trở lại Công điện 280/CĐ -TTg, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu rất cụ thể: các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan theo đúng Quy chế làm việc khi giải quyết công việc; có trách nhiệm trả lời đúng thời hạn, chính kiến rõ ràng; không trả lời chung chung, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh trách nhiệm…
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cũng vậy: thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn; không trình, báo cáo công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình lên Trung ương; không lạm dụng việc lấy ý kiến để né tránh trách nhiệm…
Đặc biệt, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ cụ thể hóa quy trình, cá thể hóa trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực thi công vụ, không để diễn ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý công việc, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2023. Trong tháng 6/2023, phải báo cáo Chính phủ Dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung...
Các doanh nghiệp đang trông chờ những hành động trực diện tiếp sau…