Chất lượng hàng trang sức vẫn đang bị thả nổi

Chất lượng hàng trang sức vẫn đang bị thả nổi

Trữ vàng, thói quen khó bỏ

(ĐTCK) "Vàng hóa" nền kinh tế là vấn đề mà Nhà nước, cũng như nhiều chuyên gia kinh tế đã báo động và có nhiều biện pháp hạn chế, nhưng cũng cần nhìn nhận một thực tế là thói quen tích trữ vàng đã trở thành văn hóa ăn sâu vào người Việt nhiều thế hệ.

Tập quán giữ vàng

Tình trạng nhập lậu vàng không kiểm soát nổi, ồ ạt thu gom USD để nhập vàng làm tỷ giá tăng ảnh hưởng các mặt hàng nhập khẩu khác, khiến đồng nội tệ mất giá... là những hệ quả tất yếu. Do vậy, việc quản lý, kiểm soát, dần tiến tới thu hẹp thị trường vàng vật chất là những biện pháp cần thiết đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực thi thời gian qua. Cơ quan điều hành chính sách tiền tệ đã liên tiếp ban hành các thông tư với chủ trương loại bỏ vàng ra khỏi hệ thống tín dụng và tổ chức lại thị trường vàng. Sự kiên quyết này đã có tác dụng khi từng bước giảm nhiệt thị trường vàng và dần loại bỏ nguy cơ "vàng hóa".

Ông Nguyễn Thành Long

Thế nhưng, phải thừa nhận rằng, tập quán giữ vàng của người dân luôn tồn tại. Không thể chỉ hạn chế điểm bán vàng miếng thì người dân sẽ không giữ vàng, nhất là trong tình hình kinh tế toàn cầu bất ổn, giá vàng quốc tế vẫn tiếp tục tăng. Từ  bao  đời  nay,  vàng  là  loại  tài  sản  giá  trị  lớn,  có  mặt  trong  rất  nhiều  gia  đình  Việt. Tại Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung thường quan niệm rằng, vàng đem lại sự may mắn và an tâm lâu dài cho cuộc sống. Truyền thống cất trữ vàng được củng cố trong nhiều năm chiến tranh và tiếp diễn trong thời bình do những biến động kinh tế, lạm phát…, vàng vẫn luôn có giá trị “phòng thủ” an toàn trong nhiều gia đình.

Đến nay, khi thị trường vàng đã phần nào được kiểm soát ổn định, NHNN nghiên cứu thực hiện chủ trương tiếp tục huy động vàng trong dân. Tuy nhiên, mục tiêu lần này không phải để các ngân hàng thương mại kinh doanh, mà NHNN sẽ phát hành chứng chỉ vàng dài hạn để gom vàng về NHNN, dĩ nhiên sẽ phải xây dựng quy chế chặt chẽ về nghĩa vụ, quyền lợi của NHNN và ngân hàng thương mại. Số vàng huy động được sẽ dùng làm tài sản thế chấp tại các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ với lãi suất thấp, đem về phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc gia.

Lợi ích rõ ràng là huy động được một nguồn lực tài chính quan trọng trong dân, thay vì để bất động, mà người dân cũng tiếp tục được sở hữu vàng, bảo đảm cuộc sống, đồng thời cũng tránh được các vấn đề phức tạp do huy động và kinh doanh vàng của các ngân hàng thương mại như trước.

Quan điểm của nhiều người vẫn nghiêng về phía cần tạo lập một thị trường theo cơ chế kinh tế thị trường, nên sớm muộn cũng phải tính đến việc huy động vàng. Nếu tạo điều kiện cho người dân có một nơi an toàn để gửi vàng và có sinh lời, dù chỉ ở mức thấp, thì họ vẫn tin tưởng gửi, thay vì cất trữ ở nhà khi ngân hàng không huy động vàng như trước. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng hoàn toàn không bỏ vàng, vì đó là thói quen và tập tục đã ăn sâu trong văn hóa của người Việt.

Đã có một giai đoạn vàng ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền chung, nhưng qua thời gian, NHNN đã kiểm soát được thị trường vàng và đưa vào nề nếp. Như vậy, việc triển khai giải pháp để tái huy động vàng là cần thiết để “nung chảy” được nguồn lực vốn lớn trong dân, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế. Quan trọng là nghiên cứu giải pháp đưa ra để làm sao phù hợp với thị trường, khuyến khích người dân gửi vàng như trước, dù lãi suất nhận lại ở mức thấp. Có thể huy động bằng vàng vật chất thực sự từ người dân, hoặc có thể huy động vàng bằng cách phát hành chứng chỉ… Tất cả công cụ huy động và điều hành thị trường đều do NHNN kiểm soát, nên việc huy động, xuất - nhập khẩu vàng có thể điều tiết được.

Giải pháp cho vàng phải là giải pháp có tính thực tiễn thị trường, mục tiêu của quản lý ngoài việc kiểm soát, phải đạt được yêu cầu khơi thông dòng chảy, cung ứng vàng cho thị trường và bổ sung nguồn vàng có kiểm soát khi cần thiết. Không sợ hãi vàng, mà phải thâm nhập nó, thừa nhận nó như một phần thiết yếu của đời sống và huy động khối tài sản rất lớn này phục vụ nền kinh tế quốc gia.

Kiểm soát chất lượng

Thói quen của người Việt Nam lâu nay trong mua vàng là “mua đâu-bán đó” và họ cũng cảm thấy không mất mát gì, nên người dân vẫn tin tưởng vào cách mua bán này. Thực tế, việc kiểm soát chất lượng vàng không phải đến thời điểm này mới đưa ra và có cảnh báo đối với người tiêu dùng, mà lâu nay, lực lượng quản lý thị trường cũng đã làm nhiệm vụ này. Tuy nhiên, lực lượng cũng như công cụ để kiểm soát chất lượng vàng liệu đã đáp ứng được hay chưa vẫn còn là câu hỏi ngỏ.

Thực trạng hiện nay cho thấy, trên thị trường, nhiều cửa hàng vẫn bán vàng miếng, cho dù họ không đủ tiêu chuẩn. Đó chính là thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý trong việc đưa ra các chính sách và cơ chế kiểm soát giá, cũng như chất lượng vàng.

Thông tư 22/TT/2013-BKHCN về kiểm soát chất lượng vàng đã phần nào kiểm soát được thị trường, nhưng trong ngành vàng, số lượng doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh vàng quy mô có thương hiệu tầm quốc gia chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần còn lại chủ yếu là các cửa hàng nhỏ lẻ. Việc kiểm soát chất lượng vàng, nhất là nữ trang ngoại nhập, hiện vẫn là một thử thách, trong khi mẫu mã, giá cả lại khá cạnh tranh so với nữ trang nội địa.

Trong khi đó, một khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh vàng nữ trang là chính sách không thuận lợi khi không cho nhập khẩu vàng nguyên liệu và không cho vay vốn để kinh doanh vàng.

Nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam đối với các chủng loại vàng vẫn luôn hiện hữu, thậm chí còn ở mức cao. Điển hình như ngày Vía Thần Tài đầu năm, người dân vẫn đổ xô đi mua vàng và nhiều doanh nghiệp thông báo cạn hàng để tăng giá bán ra. Song thực tế là cung không thiếu, bởi nếu doanh nghiệp bán ra vàng miếng nhiều sẽ bị “soi”, vì không có quota nhập khẩu vàng thì làm sao có nhiều để bán ra? Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng chỉ được bán vàng miếng nhãn hiệu của SJC, thay vì được bán nhiều nhãn hiệu vàng miếng như trước đây.

Tuy nhiên, một khi vàng miếng được kiểm soát và hạn chế, thì cần thiết mở rộng thị trường nữ trang. Chẳng hạn cho xuất - nhập khẩu vàng nguyên liệu và xuất vàng nữ trang có kiểm soát. Bởi hiện các doanh nghiệp sản xuất nữ trang không có nguyên liệu để sản xuất, chủ yếu là thu gom trên thị trường, không có quota nhập khẩu và cũng rất khó vay vốn. Vì thế, cần thiết mở cửa đối với thị trường vàng, ít nhất cũng là việc nhập vàng nguyên liệu.

Thị trường vàng thời gian qua đã bị thu hẹp khi nhiều doanh nghiệp không được kinh doanh vàng miếng; SJC muốn sản xuất vàng miếng cũng phải có giấy phép của NHNN; nhu cầu đầu tư vàng để hưởng chênh lệch giá hiện nay không còn nhiều. Tuy nhiên, nhu cầu tích vàng của người dân là không nhỏ và đó được xem là nơi trú ẩn an toàn khi tình hình kinh tế khó khăn, nhất là vào những giai đoạn lạm phát cao.

Đồng thời, cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu thấu đáo phương thức để huy động vàng trong dân vì đây là nguồn lực lớn trong nền kinh tế. Nếu vì một lý do nào đó để nguồn lực vàng trong dân tiếp tục nằm bất động thì đó là điều rất đáng tiếc. Đương nhiên, để huy động vàng cũng có những cái khó, bởi chi phí huy động cao và rất cần cân nhắc mục tiêu huy động nhằm tạo niềm tin trong dân. Một vấn đề khác được quan tâm đó chính là việc chuyển đổi chất lượng vàng, vì sau khi huy động, nếu trả vàng lại cho người tiêu dùng thì cũng phải có sự đánh giá về độ tuổi, cũng như chất lượng
của vàng…

Có ý kiến cho rằng, Việt Nam cần huy động vàng và đem nguồn lực này thế chấp để vay ngoại tệ nước ngoài, tăng nguồn dự trữ ngoại tệ cho quốc gia. Thế nhưng, về mặt quản lý, dường như NHNN vẫn chưa sẵn sàng trong việc tái huy động nguồn lực vàng - lượng tài sản rất lớn đang tích trữ trong dân.

Tin bài liên quan