Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang tăng trưởng hai con số mỗi năm
Tăng trưởng 2 con số
Điểm nhấn trong Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 7 với chủ đề “Vượt qua sóng cả, vươn mình ra biển cơ hội” do Google, Temasek và Bain & Company vừa phát hành cho thấy, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD trong năm 2021 lên 23 tỷ USD năm 2022, nhờ sự tăng trưởng 26% của TMĐT so với cùng kỳ năm ngoái.
“Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng năm nay với nền kinh tế kỹ thuật số có tốc độ phát triển nhanh nhất và TMĐT tăng cao nhất khu vực Đông Nam Á”, bà Stephanie, Phó chủ tịch Google châu Á - Thái Bình Dương, phụ trách khu vực Đông Nam Á nhận định.
Báo cáo này cũng khẳng định, TMĐT trở thành đầu tàu trong sự tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam, tới 90% người tiêu dùng kỹ thuật số dự định duy trì hay thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng TMĐT trong 12 tháng tới. Phần lớn người tiêu dùng tập trung vào dịch vụ giao đồ ăn (60%) và mua hàng tạp hóa trực tuyến (54%).
Còn theo Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2022, do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) mới phát hành, doanh thu TMĐT B2C của Việt Nam năm 2022 ước đạt 16,4 tỷ USD, tỷ lệ tăng trưởng đạt khoảng 20% so với năm 2021. Năm 2022, ước tính số lượng người dùng mua sắm trực tuyến đạt 57 - 60 triệu người, trong đó giá trị mua sắm trực tuyến của một người vào khoảng 260 - 285 USD (tương đương 6,1 - 6,6 triệu đồng).
Tỷ trọng doanh thu TMĐT B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước chiếm 7,2 - 7,8%. Tỷ lệ người dân sử dụng Internet chiếm 75%, tỷ lệ người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến chiếm 74,8%.
Bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, quy mô TMĐT Việt Nam thời gian qua đã phát triển mạnh mẽ. Trong giai đoạn Covid-19, nếu như một số ngành kinh tế khác có tốc độ tăng trưởng âm, thì TMĐT vẫn tăng trưởng mạnh mẽ tới 18% (năm 2020), 16% (năm 2021) và dự kiến đạt 20% (năm 2022). Tốc độ tăng trưởng của thị trường TMĐT Việt Nam được dự báo đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á.
“Doanh thu xuất khẩu từ TMĐT B2C tại Việt Nam tăng hơn 20%/năm. Chỉ trong 12 tháng qua đã có gần 10 triệu sản phẩm “Made in Vietnam” được bán ra cho khách hàng Amazon trên toàn cầu. Ngoài ra, số lượng đối tác bán hàng Việt Nam trên kênh này cũng tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam được dự báo trở thành thị trường TMĐT nhanh nhất Đông Nam Á vào năm 2026”, ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nhận định.
Xu hướng mua sắm đa kênh
Google dự báo, trong thời gian tới, ngành TMĐT vẫn giữ vững vị trí trụ cột, tiếp tục phát triển mạnh và dự kiến đạt mức tăng trưởng 16% tổng giá trị hàng hóa.
“TMĐT có mức tiếp nhận ngang nhau giữa người tiêu dùng ở khu vực nội thành và ngoại thành, trong khi các dịch vụ thuộc những lĩnh vực còn lại chủ yếu tiêu thụ bởi người tiêu dùng thành thị. Đối với các lĩnh vực như mua hàng tạp hóa trực tuyến, du lịch, âm nhạc theo yêu cầu, mức độ tiếp nhận tại khu vực ngoại thành vẫn thấp và còn nhiều cơ hội để phát triển. Giữa những khó khăn kinh tế vĩ mô toàn cầu, thu nhập khả dụng giảm, giá cả tăng vọt và thiếu hụt sản phẩm đã tạo nên những tác động lớn đối với người tiêu dùng tại Đông Nam Á”, nhóm chuyên gia của Google, Temasek và Bain & Company dự báo.
Còn theo phân tích của UpBase, mua sắm đa kênh vẫn là xu hướng chủ đạo của TMĐT trong năm 2023. Gần 75% người mua sử dụng nhiều kênh trước khi mua và 73% người tiêu dùng TMĐT cho biết, họ sử dụng nhiều kênh khác nhau trong hành trình mua sắm. Chẳng hạn, khi một người dùng đã nghe đến sản phẩm qua các mạng xã hội như TikTok, Facebook, nhìn thấy sản phẩm được quảng cáo và bày bán tại siêu thị, cửa hàng nhiều lần, họ dễ đưa ra quyết định mua sắm.
“Bán hàng đa kênh vẫn là xu hướng TMĐT phát triển mạnh trong năm 2023. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp không nên bỏ qua những kênh chăm sóc trải nghiệm trực tuyến của người mua sắm, mà hãy tìm cách thiết kế và cung cấp trải nghiệm mua sắm đa kênh linh hoạt”, ông Nathaniel Meyersohn, CNN Business khuyến nghị.
Còn nghiên cứu của Meta cho thấy, người tiêu dùng đang ở giai đoạn phát triển mới, ưu tiên trải nghiệm mua sắm tích hợp, kết hợp hiệu quả giữa trực tuyến và trực tiếp. Theo ông Khôi Lê, Giám đốc quốc gia thị trường Việt Nam của Meta, có nhiều danh mục mua sắm được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn “chốt đơn” online, thậm chí có những ngành ngày càng thu hút được người tiêu dùng mua hàng hơn trên online với giá trị giỏ hàng lớn hơn ngay cả trong giai đoạn bình thường mới. Giá trị đơn hàng trực tuyến tại Việt Nam đã tăng từ 45 USD trong năm 2021, lên 50 USD trong năm 2022.
“Điều này cho thấy, mua sắm trực tuyến tiếp tục đóng vai trò là một kênh quan trọng. Trong giai đoạn khám phá, 84% người tiêu dùng Việt Nam xem trực tuyến là kênh truy cập để duyệt và tìm các mặt hàng. Đây là giai đoạn người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam sử dụng nhiều nền tảng hơn bao giờ hết, với sự thống trị của thị trường TMĐT chiếm 51% chi tiêu trực tuyến, trong khi các mạng xã hội chiếm gần một nửa lượng khám phá trực tuyến, bao gồm hình ảnh (16%), video trên mạng xã hội (22%) và các công cụ liên quan như nhắn tin (9%)”, ông Khôi cho hay.
Ông Huỳnh Lâm Hồ, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Haravan khuyến nghị, để doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số trong bán hàng đa kênh và thương mại hiệu quả, thì việc đưa các giải pháp công nghệ vào vận hành, kinh doanh là điều tất yếu. Song song với đó, cần phải đào tạo, trang bị kiến thức nền tảng cho các doanh nghiệp, người kinh doanh địa phương, từ đó giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng vững chắc.
Trong năm 2022, Việt Nam ghi nhận thêm 4 triệu người tiêu dùng số đã có giao dịch mua hàng online. Đặc biệt, 8/10 người trong độ tuổi làm việc là người tiêu dùng số. Điều này đồng nghĩa, Việt Nam đang có 60 triệu người tiêu dùng số.
Nguồn: Báo cáo của Meta