Trong vòng 5 năm phải "tinh gọn" xong cấp phó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là một trong những nội dung đáng chú ý vừa được Chính phủ dự thảo tại Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Trong vòng 5 năm phải "tinh gọn" xong cấp phó

Chiều 12/2, tiếp chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Theo ông Ninh, việc ban hành Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, qua đó xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tránh khoảng trống pháp luật, bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của bộ máy nhà nước và toàn xã hội; không làm gián đoạn việc thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của pháp luật.

Chậm nhất 5 năm sau khi sắp xếp bộ máy, phải "tinh gọn" xong vị trí cấp phó

Nghị quyết được dự thảo gồm 15 điều, với các nội dung: Điều 1 xác định cụ thể phạm vi điều chỉnh bao gồm: nguyên tắc xử lý; việc thay đổi tên gọi của cơ quan, tổ chức, đơn vị (sau đây gọi chung là cơ quan), chức danh có thẩm quyền; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, của điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và việc xử lý một số vấn đề khác khi thực hiện sắp xếp.

Nghị quyết áp dụng trong các trường hợp thành lập, tổ chức lại (bao gồm việc sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức các cơ quan dưới các hình thức chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hoặc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn), thay đổi tên gọi, thay đổi mô hình, cơ cấu tổ chức, giải thể cơ quan để thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Điều 2 quy định nguyên tắc chung trong việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Từ Điều 3 đến Điều 12 quy định về nguyên tắc cụ thể để xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước:

Đáng lưu ý, tại Điều 4 quy định về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền có nội dung: "Khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định hiện hành thì chậm nhất sau 05 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan phải theo đúng quy định".

Quốc hội họp bất thường lần thứ 9 của nhiệm kỳ để thông qua các vấn đề quan trọng phục vụ tăng trưởng kinh tế và sắp xếp lại bộ máy.

Quốc hội họp bất thường lần thứ 9 của nhiệm kỳ để thông qua các vấn đề quan trọng phục vụ tăng trưởng kinh tế và sắp xếp lại bộ máy.

Tiếp tục thực hiện thanh tra chuyên ngành sau sắp xếp

Về thực hiện chức năng thanh tra, Điều 7 của dự thảo Luật quy định: Trường hợp sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của Luật Thanh tra và quy định của pháp luật có liên quan thì cơ quan đó được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo thẩm quyền thanh tra của cơ quan trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Trường hợp sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ không được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của Luật Thanh tra và quy định của pháp luật có liên quan thì chức năng thanh tra chuyên ngành của cơ quan trước khi sắp xếp do Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện.

Các trường hợp không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành do cơ quan thực hiện chức năng thanh tra của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên trực tiếp thực hiện.

Về kết luận thanh tra, dự thảo nêu, trường hợp cuộc thanh tra đang tiến hành hoặc đã kết thúc nhưng chưa ban hành kết luận thanh tra có nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của nhiều cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy thì Trưởng đoàn thanh tra xây dựng các dự thảo kết luận, báo cáo Thủ trưởng cơ quan có chức năng thanh tra tương ứng với phạm vi quản lý nhà nước ban hành kết luận thanh tra.

Ngoài ra, dự thảo quy định:

Về giá trị của văn bản, giấy tờ đã được các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, cấp (Điều 10): Quy định văn bản, giấy tờ đã được ban hành, cấp trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy mà chưa hết hiệu lực hoặc chưa hết thời hạn sử dụng thì tiếp tục được áp dụng, sử dụng theo quy định pháp luật cho đến khi hết thời hạn hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi bởi cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc cơ quan, người có thẩm quyền.

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (Điều 8): Các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước dẫn đến thay đổi tên gọi nhưng không thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì được giữ nguyên thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước dẫn đến thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì Chính phủ quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh đó phù hợp với các nguyên tắc của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trong thời gian Chính phủ chưa có quy định thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước do Chánh Thanh tra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp hoặc các chức danh khác đang có thẩm quyền xử phạt tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật cho đến khi có quy định thay thế.

Dự thảo Luật cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước

Trong đó, Quốc hội giao Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao xem xét, ban hành văn bản, giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Quốc hội, định kỳ hằng quý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Nghị quyết này dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2025 và được thực hiện đến hết ngày 28/02/2027. Trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XVI (tháng 10/2026).

Đề nghị chủ động theo dõi, kiểm tra, bổ sung hướng dẫn

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành sự cần thiết ban hành và đánh giá cao sáng kiến của Chính phủ trong việc xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Bên cạnh đó, Uỷ ban Pháp luật đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan có liên quan chủ động theo dõi, kiểm tra, kịp thời bổ sung nội dung hướng dẫn về thủ tục đề nghị, phạm vi trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân đề nghị và người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt trong việc tiếp nhận, xử lý và xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 2 Điều 8 nếu cần thiết để bảo đảm rõ ràng, thuận tiện trong quá trình thực hiện, hạn chế việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước.

Về việc xử lý đối với văn bản, giấy tờ đã được ban hành trước khi thực hiện sắp xếp (Điều 10), Ủy ban Pháp luật tán thành với các quy định như thể hiện tại Điều 10 nhưng đề nghị tiếp tục rà soát các vấn đề có thể phát sinh sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước liên quan đến việc xử lý đối với văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, đặc biệt là thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật đã được cơ quan, người có thẩm quyền thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp ban hành trước đó để bảo đảm thuận lợi, hiệu quả, tránh lãng phí thời gian, công sức trong quá trình triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Uỷ ban cũng lưu ý Chính phủ về trách nhiệm công khai thông tin, chủ động linh hoạt giải quyết phát sinh và đề nghị xem xét ý kiến về tính khả thi đối với quy định về thời hạn 02 năm để hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế bởi theo rà soát sơ bộ của các cơ quan thì số lượng văn bản cần được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới ở cả trung ương và địa phương là rất lớn trong khi chưa rõ cơ chế nào để Chính phủ có thể theo dõi và bảo đảm thực hiện mục tiêu này.

Tin bài liên quan