Trong vài ngày tới, sẽ ban hành nghị định liên quan đến gói 21.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Một vài ngày nữa Chính phủ sẽ ban hành Nghị định, vì Nghị quyết 406 giảm 30% thuế GTGT kể từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021 cho một số lĩnh vực dịch vụ, ngành sản xuất.
Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 được ví như liệu pháp tiếp máu cho doanh nghiệp.

Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 được ví như liệu pháp tiếp máu cho doanh nghiệp.

Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 về việc ban hành một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 đã được hoàn thiện, đợi Chính phủ ban hành.

Sẽ có Nghị định hướng dẫn trước 1/11/2011

Dự thảo Nghị định đã được Bộ Tài chính xây dựng khi xây dựng Dự thảo Nghị quyết Nghị quyết 406.

“Chắc một vài ngày nữa, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định, vì một trong 4 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp quy định trong Nghị quyết 406 là giảm 30% thuế giá trị gia tăng (GTGT) kể từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với dịch vụ vận tải; lưu trú, ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch… nếu không ban hành sớm thì không thể triển khai ngay được vì ngày 1/11 tới đây đã thực hiện giảm thuế 30% cho một số đối tượng”, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết.

Việc Chính phủ chưa thể thông qua ngay Nghị định quy định chi tiết ngay sau khi Nghị quyết 406 được ban hành, theo ông Phụng, Nghị quyết 406 chỉ quy định việc miễn, giảm thuế, còn thực hiện thế nào cần phải được quy định cụ thể thì khi triển khai mới không gặp vướng mắc.

Đơn cử, Nghị quyết 406 chỉ quy định giảm thuế GTGT cho hoạt động vận tải, nhưng trường hợp tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân như dịch vụ Grab chẳng hạn.

Theo quy định hiện hành, cá nhân không trực tiếp khai thuế mà tổ chức (doanh nghiệp) có trách nhiệm khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh thì phải quy định rõ khai thuế, nộp thuế thay thế vì Nghị quyết 406 cũng có quy định miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh 6 tháng cuối năm 2021 cho hộ, cá nhân kinh doanh chịu tác động của dịch Covid-19 cũng cần phải quy định cụ thể vì có sự chồng lấn giữa miễn và giảm thuế GTGT đối với cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực vận tải ứng dụng công nghệ như Grab.

“Nghị quyết 406 giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 đối với doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019 nhưng không áp dụng tiêu chí doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019 đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020, năm 2021. Vì vậy, Nghị định hướng dẫn phải quy định cụ thể, chi tiết đối với doanh nghiệp mới thành lập, hợp nhất, chia tách trong năm 2020 và năm 2021 vì không thể so sánh với doanh thu năm 2019 do các doanh nghiệp này chưa thành lập, chưa có pháp nhân mới”, ông Phụng giải thích thêm.

“Tất cả quy trình, thủ tục, mẫu biểu miễn, giảm thuế sẽ được quy định cụ thể, chi tiết trong Nghị định hướng dẫn nên ngay khi Chính phủ thông qua sẽ thực hiện ngay mà không cần phải có thông tư hướng dẫn như các văn bản quy phạm pháp luật khác”, ông Phụng cho biết.

Miễn, giảm thuế là “tiếp máu” cho doanh nghiệp

Nghị quyết 406, theo ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội như một liều tiếp máu cho cộng đồng doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân tham gia kinh doanh.

Theo ông Lộc, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cả tài khóa lẫn tiền tệ. Riêng về gói tài khóa, ngoài giảm trên 30 phí, lệ phí thực trị giá cũng chỉ vào khoảng 3.000 tỷ đồng, còn chủ yếu là gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất. Gói giải pháp này chỉ có một số ít doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận, thuê đất của Nhà nước mới được hưởng, còn những doanh nghiệp khác thì không được hưởng chính sách này.

Chính vì vậy, gọi Nghị quyết 406 là việc tiếp máu cho doanh nghiệp với trị giá trên 21.000 tỷ đồng. Rất nhiều doanh nghiệp sẽ được hưởng gói “tiền tươi, thóc thật” này, đặc biệt doanh nghiệp khó khăn đang có nợ thuế sẽ được miễn tiền chậm nộp; doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực đang bị thua lỗ (không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp) được giảm thuế GTGT.

Ông Lộc cho rằng, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 406 là “đơn vị máu” rất hữu ích cho doanh nghiệp trong lúc này, nhưng vẫn chưa đủ để doanh nghiệp vực dậy, vì vậy cần phải có gói hỗ trợ tiếp theo.

“Trước mắt phải thực hiện tất cả các gói hỗ trợ cả tài khóa lẫn tiền tệ đã ban hành từ đầu năm đến nay, vì trên thực tế mới chỉ sử dụng được khoảng 50% trị giá của các gói hỗ trợ và phải thực hiện ngay gói trên 21.000 tỷ đồng vừa được ban hành theo Nghị quyết 406, vì đây là “tiền tươi, thóc thật”, tác động đến tuyệt đại đa số doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh. Sau đó phải sớm nghiên cứu gói hỗ trợ thứ hai ngay trong năm nay để triển khai khi năm tài khóa 2022 bắt đầu”, ông Lộc đề xuất.

Theo tính toán của chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa, tổng cộng tất cả các gói hỗ trợ của Việt Nam cả tài khóa lẫn tiền tệ năm nay chỉ trên dưới 1,5% GDP. Về quy mô gói hỗ trợ của Việt Nam thấp hơn rất nhiều nước trên thế giới, còn so với GDP, gói hỗ trợ của Việt Nam cũng vô cùng nhỏ.

Ông Nghĩa cho rằng, nếu muốn cộng đồng doanh nghiệp phục hồi nhanh thì cần phải có gói hỗ trợ tiếp theo với quy mô lớn hơn, độ phủ rộng hơn vì các gói hỗ trợ, kể cả gói hỗ trợ theo Nghị quyết 406 còn quá nhỏ.

“Muốn nền kinh tế phục hồi nhanh thì phải đầu tư, gói hỗ trợ giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn cũng là khoản đầu tư. Đầu tư ít vốn thì bật thế nào được? Nền kinh tế phục hồi nhanh thế nào được khi không có “lực” đó là sự hỗ trợ của Nhà nước?”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Tin bài liên quan