Ông Vương Đình Huệ, tân Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ. Ảnh: Quang Anh

Ông Vương Đình Huệ, tân Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ. Ảnh: Quang Anh

Trọng trách người kế nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
Sáng 31/3/2021, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chính thức nhận trọng trách Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Năm năm trước, tại cuộc gặp gỡ báo chí của bà Nguyễn Thị Kim Ngân sau khi đắc cử Chủ tịch Quốc hội, người viết bài này đặt câu hỏi: “Kinh nghiệm nào của người tiền nhiệm khiến bà tâm đắc và sẽ phát huy?”. Câu trả lời của nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên khi đó là: “Tôi học hỏi được rất nhiều từ nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, từ thời còn làm ở Bộ Tài chính, đến khi sang Chính phủ, rồi Quốc hội. Điều tôi học được là bản lĩnh chính trị và tính quyết đoán, hai điều rất quan trọng với một người lãnh đạo. Đứng trước vấn đề khó khăn, khi thấy đúng thì quyết đoán; nếu có quyết đoán sai, thì phải sẵn sàng chịu trách nhiệm”.

Quốc hội sẽ đứng trước những khó khăn gì, đó là điều không ai có thể đoán trước.

Nhưng nhiệm vụ trước mắt, theo phát biểu nhậm chức vào sáng 31/3/2021 ở cương vị Chủ tịch Quốc hội, ông Vương Đình Huệ đã đề cập rằng, cần phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ: vừa đảm bảo tính liên tục trong hoạt động của Quốc hội, vừa tổ chức thành công bầu cử trên phạm vi cả nước. Ông cũng “nguyện sẽ đem hết sức mình” cùng Quốc hội tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Khái quát thế, còn đi sâu vào từng chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội với các hạn chế đã được nêu tại báo cáo công tác nhiệm kỳ, đã được các đại biểu đặt ra trong các phiên thảo luận, thì “áp lực” của Chủ tịch Quốc hội kế nhiệm không hề nhỏ.

Nhiều đại biểu Quốc hội đương nhiệm kỳ vọng, bên cạnh việc giữ trọn hình ảnh một Quốc hội đoàn kết, dân chủ, đổi mới, luôn hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, người kế nhiệm bà Nguyễn Thị Kim Ngân - một nữ Chủ tịch Quốc hội được đánh giá cao cả về bản lĩnh và trí tuệ, quyết đoán, linh hoạt trong điều hành - sẽ làm cho hoạt động của Quốc hội đã công khai sẽ càng công khai hơn, đã đổi mới sẽ càng đổi mới hơn nữa. Đặc biệt là chống được lợi ích nhóm ngay từ khâu đầu tiên trong quá trình lập pháp - vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra tại kỳ họp này.

“Tôi mong tân Chủ tịch Quốc hội sẽ tổ chức công tác xây dựng pháp luật khách quan ngay từ khi soạn thảo để không có lợi ích nhóm chi phối”, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) bày tỏ.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) thì mong muốn, tân Chủ tịch Quốc hội sẽ tạo điều kiện để cử tri giám sát đại biểu tốt hơn thông qua việc công khai kết quả bấm nút các vấn đề được đưa ra biểu quyết tại nghị trường (hiện chỉ có kết quả tổng hợp tỷ lệ tán thành/không tán thành/không biểu quyết).

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đã nhắc đến hai chữ “nghệ thuật” khi gửi gắm kỳ vọng vào Chủ tịch Quốc hội mới, bởi với 500 đại biểu Quốc hội, có thể mỗi người sẽ có những tâm thế, lựa chọn phương thức hoạt động khác nhau. Có uy tín, có năng lực và “nghệ thuật”, thì Chủ tịch Quốc hội mới quy tụ, phát huy được trí tuệ, trách nhiệm, tinh thần sáng tạo của các đại biểu Quốc hội.

Còn rất nhiều kỳ vọng khác từ đại biểu với tân Chủ tịch Quốc hội, song tất cả đều không ngoài mong muốn người kế nhiệm tô đậm thêm dấu ấn và làm vơi đi những day dứt về những “món nợ” với cử tri, ở nhiệm kỳ này.

Với chương trình làm nhân sự tại kỳ họp đang diễn ra tại Quốc hội, thì không chỉ Chủ tịch Quốc hội, mà cả Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đều trao lại trọng trách cho người mới. Nhiệm kỳ 2016 - 2021 sắp kết thúc, nhưng trách nhiệm với đất nước, với nhân dân của lãnh đạo Nhà nước là không có nhiệm kỳ. Bởi vậy, dẫu Việt Nam sắp đi qua 5 năm đầy sóng gió với những dấu ấn nổi bật trên tất cả các lĩnh vực, nhưng không ít hạn chế, yếu kém vẫn còn “chờ” người kế nhiệm xứng đáng.

Với riêng tân Chủ tịch Quốc hội, nắm được tâm nguyện chung của nhân dân, đưa cuộc sống sinh động vào nghị trường để Quốc hội là cơ quan thực sự phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân, của cử tri cả nước và khi thực hành quyền hạn của mình thì thực chất, thực quyền - đó là trách nhiệm lớn, rất lớn.

Tin bài liên quan