Ảnh shutterstock

Ảnh shutterstock

“Trông người lại ngẫm đến ta”

(ĐTCK) Thành phố không lớn nhưng rất thanh bình, êm ả. Nhà cửa không cao to, đồ sộ nhưng thân mật và ấm cúng lạ thường. Đó là cảm nhận của tôi khi lần đầu đến Nakhon Phanom, một tỉnh phía Đông Bắc Thái Lan.

1. Là một người làm công tác tư vấn quy hoạch, kiến trúc, nên việc đầu tiên là tôi quan sát toàn bộ cảnh quan đô thị của Nakhon Phanom, sau đó là các mối quan hệ xã hội. Người dân ở đây tự hào về một câu ngạn ngữ “Đến Nakhon Phanom ngủ lại một đêm sẽ tăng thêm một năm tuổi thọ”. Qua câu ngạn ngữ ấy cũng thấy rõ môi trường, khí hậu, cảnh quan, nếp sống xã hội và đời sống tinh thần tại đô thị này.

Khác với các đô thị Việt Nam, Nakhon Phanom không chịu áp lực của quá trình đô thị hóa, sự “xâm lăng” ồ ạt của các khu đô thị, các khu chung cư, các dự án bất động sản mà tôi vẫn phải dùng một lối ví von xưa cũ nhưng chẳng có gì hay hơn là “như nấm sau mưa”.

Những ai còn vương vấn đến một Hà Nội xưa, hay một thành phố quê hương nào đó, hẳn sự thanh bình, yên ả, chút lắng đọng, mộng mơ cũng dần trở thành hoài niệm.

 KTS.Vũ Quốc An

Khi đến Nakhon Phanom ta như gặp lại dấu ấn thân quen thuở nào. Đó là những đàn chim sẻ, chim sáo, hay một vài loài chim tự nhiên khác sà xuống lòng đường, vỉa hè ríu ra ríu rít. Ấm áp lạ thường, thân mật lạ thường, lâu rồi mới thấy.

Chúng sà xuống vỉa hè không phải để nhặt những hạt vụn thực phẩm rơi vãi, vì đường phố ở đây không hề có rác, lại càng không có thực phẩm rơi vãi, mặc dù không có những bộ phận vệ sinh môi trường với xe, thùng lủng củng, hoạt động náo nhiệt suốt ngày đêm như các đô thị ở Việt Nam.

Có lẽ, ý thức của người dân đã trở thành tập quán sinh hoạt, nên các răn đe hành chính không còn cần thiết. Tôi còn nhớ vài ba chục năm trước, các tay súng săn Hà Nội thường kéo xuống phố Lò Đúc bắn cò, một loài chim chỉ “can tội” làm nên hình ảnh đẹp đẽ và thơ mộng cho những câu chuyện cổ tích và ca dao xưa của văn hóa nước nhà.

Các khái niệm con người sống hòa thuận với thiên nhiên ở đây thật sinh động và chân thực. Con người tôn trọng những sinh vật bé bỏng của tự nhiên - đàn chim. Ngược lại lũ chim cũng bày tỏ sự thân thiện và tin cậy với con người.

  Ảnh shutterstock

Tỉnh lỵ của Nakhon Phanom nằm sát cạnh con sông Mê Kông huyền thoại, con sông mà tôi được biết đến qua thơ ca, văn học và những hình ảnh diễm lệ của nó trong phim ảnh. Nhưng khi đứng trước nó, dù chỉ là một đoạn ngắn chảy qua Nakhon Phanom, tôi không khỏi bồi hồi, xúc động, lâng lâng lạ thường. Đặc biệt, khi ngắm dòng sông này lúc bình minh lên hay hoàng hôn buông xuống. Nó đẹp đã đành, nhưng sự ứng xử của con người với đoạn sông này thật đáng nể phục.

Sát bờ sông vẫn là những khóm cây, doi đất, bãi cỏ tự nhiên. Một vài chỗ được làm bến đỗ cho du thuyền. Cao hơn một chút là những gốc cây lớn hơn, vẫn trụ được qua mùa nước lũ. Phía trên cùng chính là con đường và các công trình bờ sông như mọi đô thị vẫn thường khai thác lợi thế về cảnh quan và sự điều tiết về khí hậu do hơi nước và gió sông.

 Ảnh shutterstock

Tuy nhiên, cái làm tôi ấn tượng nhất là việc tổ chức khai thác các dịch vụ ở đây được tổ chức một cách nề nếp, ngăn nắp, gọn gàng và tất cả đều vì chất lượng sống của người dân. Một thứ trật tự có nền tảng văn hóa và nếp sống khiêm nhường, từ tốn của người dân Thái Lan.

Con đường bờ sông trải dài đến hàng chục ki-lô-mét, nhưng không phải để ưu tiên cho các khách sạn, nhà hàng cao lớn, khoe bày tiện nghi…, mà đầu tiên là con đường nhỏ với chiều rộng khoảng 3 m, phủ lớp lót đường màu xanh dương dành cho người đi xe đẹp, chủ yếu là luyện tập dưỡng sinh. Thật tuyệt vời khi đạp xe trên con đường ấy. Không khí trong lành, tầm mắt luôn hướng tới được dòng sông yên ả. Bên kia là nước bạn Lào với những hàng cây xanh thẫm và những rặng núi chập trùng tưởng như bất tận.

Ngăn cách con đường dành cho xe đạp và đường phố chính là lớp vỉa hè rộng chừng 4 m trồng những cây bóng mát. Dọc theo con phố này, một số vị trí phù hợp được lựa chọn là điểm hoạt động vui chơi, giải trí cho người cao tuổi và trẻ em.

  Ảnh shutterstock

Ở đây có các dụng cụ tập luyện nhẹ như xe đạp cố định hay một vài thứ khác. Trẻ em được nô đùa, chụp ảnh với các chú vịt Donal khổng lồ, hay các bồn hoa lớn nhiều màu sắc. Sát bờ sông là dãy lan can Inox sáng bóng, vững chắc, an toàn mà cũng đầy tính thẩm mỹ. 

2. Đường phố Nakhon Phanom ngoại trừ một số ít đường lớn, còn lại đều vừa phải nhưng ngăn nắp, vệ sinh. Hầu hết các phố là cửa hàng, cửa hiệu, giao dịch buôn bán khá sầm uất, nhộn nhịp. Mật độ xây dựng trên các phố khá lớn nhưng các khu đất dành cho phúc lợi công cộng lại vô cùng thỏa đáng. Đó là những khu đất rộng, thoáng, nhiều cây xanh, mật độ xây dựng chiếm khoảng 30% dành cho trường học, bệnh viện, dinh thự, chùa chiền…

Có thể coi đây là những công viên thực sự bởi không những cây xanh bóng mát, mà còn là những bồn hoa, thảm cỏ được cắt xén, chăm sóc hết sức cẩn thận, tỉ mỉ.

Các phương tiện giao thông cũng không có gì khác so với các đô thị ở Việt Nam. Điều duy nhất làm tôi vô cùng ngạc nhiên và lý thú đó là ở Nakhon Phanom cũng như các đô thị khác của Thái Lan chính là ô tô, xe máy không dùng đến còi. Tuyệt nhiên trên các tuyến phố dù đông đúc đến đâu người ta cũng không bóp còi inh ỏi và “sẵn sàng” lấn đường, vượt ẩu như các đô thị của ta. Một chuẩn văn minh trong hoạt động giao thông làm tôi thật sự ngưỡng mộ.

  Ảnh shutterstock

Ở đây có muốn cũng không thể gặp bóng dáng của cảnh sát giao thông. Tôi cũng không rõ họ hoạt động theo phương thức nào, nhưng dễ nhận thấy ý thức tham gia giao thông của mọi người dân thật đáng nể. Tôi chứng kiến có thời điểm đường không đông, thậm chí chỉ có một, hai người đang di chuyển nhưng tại các ngã ba, ngã tư khi có tín hiệu đèn đỏ dù đường vắng ngắt, người điều khiển phương tiện giao thông vẫn từ tốn dừng lại trước vạch quy định cho đến khi có tín hiệu cho phép lưu thông. Khó tin nhưng có thật.

Ở Nakhon Phanom, các khái niệm về dự án đô thị này, đô thị kia hoặc các chung cư cao tầng… hoàn toàn lạ lẫm với đời sống của người dân. Có lẽ một phần do mật độ dân số của thành phố không cao lắm.

Mặt khác, theo tôi các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm cách rất xa thành phố nên nhu cầu về nhà ở của người lao động không bức thiết như các đô thị của ta.

Tôi có hỏi một vài người bạn thì họ nói: Nếu ở đây đầu tư xây dựng chung cư thì không biết bán cho ai. Cũng có một vài khu đất, chính quyền địa phương dành cho nhà đầu tư xây dựng loại nhà ở thấp tầng (thường là 2 tầng) để bán hoặc cho thuê ở lâu dài với các đối tượng lao động thu nhập thấp với mức giá phải chăng để họ có điều kiện ăn ở và làm việc. 

3. Điểm nổi bật trong các công trình mang tính cộng đồng chính là các ngôi chùa. Ta hay nói đến một nơi gọi là xứ sở “Chùa vàng”. Quả thật đúng là như vậy. Ngôi chùa nào dù lớn, dù bé đều được phủ lớp áo vàng rực, kể cả cổng, hàng rào.

Dưới ánh nắng mặt trời, các ngôi chùa rực rỡ như tỏa hào quang, gợi nên cảnh sắc lung linh, huy hoàng nơi cõi Phật. Các chi tiết kiến trúc được quan tâm, mài dũa kỹ càng, tỉ mỉ, một phong cách rất đặc trưng trong các ngôi chùa theo phái “Tiểu thừa” phổ biến ở Thái Lan, Lào, Campuchia và một số nước Đông Nam Á khác. Tuy nhiên, chỉ ở Thái Lan, “Chùa vàng” mới thực sự phổ biến và nghệ thuật kiến trúc của công trình tôn giáo được ứng dụng một cách rộng rãi.

  Ảnh shutterstock

Người Thái rất mộ đạo. Có lẽ Phật pháp cũng ảnh hưởng lớn tới cả phong cách ngoại giao và ứng xử. Cách chào hỏi của người Thái làm người tiếp cận không có lý do gì để không thiện cảm và thân mật. Già hay trẻ đều có lối chắp tay trước ngực một cách cung kính. Dù có vội vàng hay đang bực bội điều gì, gặp lối chào hỏi này, ta cảm thấy đều được hóa giải.

Nhiều người dân Thái Lan có tập quán gửi con vào học tại các ngôi chùa từ lúc còn rất nhỏ. Các sư phụ chỉ giáo cho các cháu tính thượng thừa của sự từ bi, lương thiện, giáo lý cơ bản của Phật pháp. Có lẽ sự giáo dục này có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi làm người của các cháu sau này. Cũng có lẽ, nó góp phần làm nên cái cung cách chào hỏi thật là khiêm nhường, lễ phép và đẳng cấp của người Thái.

Tôi trở lại Việt Nam và hình ảnh của Nakhon Phanom vẫn luôn đọng lại trong tâm trí. Một đô thị mặc dầu không lớn nhưng nếp sống văn minh đô thị lại không hề nhỏ. Nền tảng giáo dục nào đã tạo nên một phong cách đô thị như vậy? Thật đáng cho chúng ta suy ngẫm.

Tất nhiên, ai cũng hiểu hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, nền tảng chính trị, điều kiện môi trường, địa lý… hình thành nên phong cách và bản sắc đô thị. Mỗi dân tộc đều có cách lựa chọn cho sự phát triển đi lên của đất nước mình, nhưng yếu tố cơ bản, cái tạo nên “phần hồn” của đô thị vẫn là con người và chất lượng cuộc sống của họ.

Xét cho cùng, mọi sự phát triển của xã hội nói chung hay đô thị nói riêng đều phục vụ cho đời sống con người. Do vậy, con người cũng cần có thái độ khiêm nhường, khoan dung và nâng niu những giá trị mà đô thị đã mang lại. Giống như đàn chim trời ở Thái Lan sà xuống lòng đường, cất tiếng líu lo, tạo nên khúc hòa tấu giữa con người và thiên nhiên vậy.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan