Trong ngắn hạn, giá xăng dầu vẫn xu hướng tăng

0:00 / 0:00
0:00
Giá bán lẻ xăng dầu đã được điều chỉnh lần thứ 5 liên tiếp kể từ đầu năm vào chiều 21/2/2022 và đang ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương).

TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương).

“Trong ngắn hạn, giá xăng dầu vẫn xu hướng tăng và giữ ở mức cao, nhưng sang tháng 4/2022 sẽ giảm dần”, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) dự báo.

Ông có bất ngờ khi giá bán lẻ xăng dầu tăng liên tiếp 5 lần chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng và với mức giá 26.280 đồng/lít, xăng RON 95 đã “phá đỉnh” được thiết lập vào tháng 7/2014?

Không có gì bất ngờ, vì giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo sát diễn biến thị trường thế giới. Giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng liên tục, khiến giá xăng dầu thành phẩm tăng là đương nhiên.

Giá dầu thô tăng cũng đã được dự báo từ trước.

Thứ nhất, kinh tế thế giới vẫn trên đà phục hồi, đặc biệt là những nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, EU..., khiến nhu cầu tiêu thụ tăng. Ở chiều ngược lại, nguồn cung không tăng kịp.

Thứ hai, mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Iran (cường quốc khai thác và xuất khẩu dầu thô) liên quan đến chương trình hạt nhân vẫn bế tắc, mặc dù gần đây đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

Còn yếu tố không dự đoán trước được là quan hệ Nga - Ukraine, quan hệ giữa Nga và phương Tây xấu đi nhanh chóng trong mấy tuần gần đây.

Còn ở trong nước, có yếu tố bất thường xảy ra là sự cố ở Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (hiện cung ứng 30 - 35% thị phần xăng dầu tại Việt Nam), khiến phải giảm công suất.

Với diễn biến này, ông dự báo thế nào về xu hướng giá xăng dầu trong thời gian tới?

Tôi nghĩ, trong ngắn hạn, ít nhất là trong tháng 3, giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng nhẹ và giữ ở mức cao, sau đó giảm, nhưng không xuống quá thấp, mà dao động quanh ngưỡng 80-90 USD/thùng. Lý do là, căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang có dấu hiệu sẽ sớm được hóa giải khi các bên liên quan tìm được tiếng nói chung. Mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Iran đã giảm bớt căng thẳng và 2 bên đang nỗ lực giải quyết xung đột. Khi 2 yếu tố trên được giải quyết thì nguồn cung sẽ tăng.

Còn ở trong nước, sự cố ở Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sẽ sớm được giải quyết, hoạt động sản xuất sẽ phục hồi 100% công suất, nên áp lực tăng giá sẽ giảm xuống.

Mặc dù là quốc gia có cả hoạt động khai thác lẫn lọc hóa dầu, nhưng giá dầu tăng và giữ ở mức cao chắc chắn tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thưa ông?

Không chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà tiêu dùng của người dân cũng bị tác động tiêu cực khi giá xăng dầu tăng liên tục và giữ ở mức cao vì xăng dầu tác động rất lớn lên lạm phát.

Thu nhập của người dân đã bị giảm liên tục kể từ năm 2020, nếu không kiểm soát được lạm phát thì đời sống của người dân bị giảm xuống, tiêu dùng giảm tác động ngay đến hoạt động cả sản xuất lẫn kinh doanh. Còn đối với sản xuất, ngành bị tác động tiêu cực nhất khi xăng dầu tăng giá là vận tải và đánh bắt, khai thác, chế biến hải sản - đang thu hút hàng triệu lao động và là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Đối với những lĩnh vực chịu tác động gián tiếp khác, giá xăng dầu tăng khiến giá thành sản xuất tăng, chi phí cho lưu thông tăng, nên chắc chắn làm giảm hiệu quả vì không thể đưa toàn bộ chi phí vào giá bán hàng hóa, dịch vụ do sức mua vẫn còn rất yếu.

Nhiều chuyên gia cho rằng, xăng dầu chỉ tác động không đáng kể đến tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nên xăng dầu tăng giá không quá lo ngại đến việc kiểm soát lạm phát. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Tôi không rõ nhận định trên dựa vào cơ sở khoa học nào, còn tôi chỉ lấy ví dụ cụ thể là năm 2021, CPI tăng 1,84%, trong đó riêng giá xăng dầu tăng 31,74%, đã làm CPI tăng 1,14 điểm phần trăm; cộng với giá gas tăng 25,89% làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm. Như vậy, chỉ riêng việc biến động của giá dầu thô đã làm cho CPI tăng 1,52% trong tổng mức tăng chung 1,84%.

Còn trong tháng 1/2022, qua 3 lần tăng giá bán lẻ xăng dầu đã kéo theo 9/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá. Chỉ riêng việc xăng dầu tăng giá đã khiến nhóm giao thông tăng tới 1,18% so với tháng trước và góp phần làm CPI chung tăng 0,11 điểm phần trăm trong tổng mức tăng CPI chỉ có 0,19%.

Những số liệu trên đã cho thấy, xăng dầu tác động vô cùng lớn đến lạm phát, đến hầu hết hoạt động kinh tế, chứ không phải chỉ có giao thông; khai thác, đánh bắt hải sản; nhiệt điện...

Để bình ổn giá xăng dầu, hiện vẫn sử dụng Quỹ Bình ổn, nhưng Quỹ đã cạn, nên theo ông, có nên nghĩ đến việc giảm thuế?

Quỹ Bình ổn chỉ có tác dụng khi giá xăng dầu biến động nhẹ trong thời gian ngắn, còn khi giá xăng dầu tăng liên tục với mức độ tăng mạnh trong thời gian dài, thì Quỹ cũng “hết phép” vì nguồn không còn.

Vì vậy, trong bối cảnh này, giải pháp giảm thuế cần phải tính đến. Xăng dầu chịu 4 loại thuế khác nhau và chiếm tỷ trọng rất cao trong giá bán (gồm thuế nhập khẩu; thuế bảo vệ môi trường; thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế giá trị gia tăng). Trong các loại thuế này, khả dĩ nhất là giảm thuế nhập khẩu vì việc điều chỉnh thuế nhập khẩu thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nên không mất nhiều thời gian và tác động ngay đến giá xăng dầu.

Còn điều chỉnh các loại thuế khác mất rất nhiều thời gian vì thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhiều người đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng xuống 5%, nhưng tôi cho rằng, không nên, vì xăng dầu, cũng như các loại hàng hóa, dịch vụ khác vừa được giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, nếu giảm xuống 5% sẽ tác động ngay tới thu ngân sách nhà nước. Nếu ngân sách giảm thu sẽ không có nguồn để thực hiện các khoản chi bắt buộc như phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội và làm tăng bội chi, nợ công...

Tin bài liên quan