Trong cuộc trao đổi với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2015, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, sự thành công đó có được là nhờ sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân, xã hội. Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng bày tỏ sự cảm ơn và hy vọng hệ thống ngân hàng tiếp tục nhận được sự tin tưởng, ủng hộ, chia sẻ của người dân, của xã hội. Đồng thời Thống đốc cũng khẳng định: “Chúng tôi cũng có trách nhiệm phải phấn đấu nhiều hơn nữa để hoạt động ngân hàng ngày càng tốt hơn, không phụ niềm tin mà người dân đã dành cho hệ thống ngân hàng Việt Nam”.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, năm 2015, ngành ngân hàng với những giải pháp điều hành quyết liệt và hợp lý, sẽ thực hiện tốt các chỉ tiêu mà Quốc hội, Chính phủ giao cho. Cụ thể là đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng từ 13-15%, điều hành tỷ giá biến động không quá 2%, giảm tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống dưới 3%...
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế. Ưu tiên tập trung tín dụng cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đặc biệt, điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm pháp theo mục tiêu đề ra (dưới 5%), ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (6,2%), bảo đảm thanh khoản của các TCTD và nền kinh tế, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn thêm từ 1-1,5%/năm, hỗ trợ thị trường tài chính trong huy động vốn cho đầu tư phát triển.
Ngoài những mục tiêu chính sách tiền tệ như trên, trong cuộc trao đổi, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đặc biệt nhấn mạnh về các giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện thành công Đề án Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện Đề án, do vậy các bước triển khai giai đoạn 2 Đề án sẽ được ngành ngân hàng thực hiện một cách mạnh mẽ và quyết liệt.
Quán triệt chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị và Chính phủ, trong giai đoạn 1 của chương trình tái cơ cấu, NHNN đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng triển khai hết sức quyết liệt. Với những nỗ lực, quyết tâm đó, hệ thống ngân hàng đã dần ổn định và từng bước khắc phục các tồn tại, yếu kém, tạo tiền đề quan trọng cho việc điều hành chính sách tiền tệ cũng như ổn định kinh tế vĩ mô thời gian qua.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của quá trình tái cơ cấu, do kinh tế vĩ mô của chúng ta đang bất ổn, thị trường còn hết sức khó khăn, khả năng và nguồn lực của bản thân NHNN và hệ thống ngân hàng còn hạn chế, nên chúng ta chưa làm được nhiều, mới chỉ tập trung xử lý những ngân hàng yếu kém nhất, những mắt xích có thể đổ vỡ bất kể lúc nào.
Nhưng đến nay, chuyển sang giai đoạn 2, tình hình đã có những chuyển biến hết sức tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, năng lực của NHNN và của Nhà nước ta đã được nâng lên rất nhiều, chúng ta có đủ sức để xử lý mạnh mẽ, quyết liệt hơn, đồng bộ, toàn diện hơn, không phải chỉ các ngân hàng yếu kém mà cả những ngân hàng trung bình và đang hoạt động tốt cũng phải tái cơ cấu để tốt hơn, bền vững hơn. Thậm chí, bây giờ, chúng ta sẵn sàng mua lại các ngân hàng như là đã mua lại cổ phiếu của một ngân hàng với giá 0 đồng.
Điều này phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, khi một ngân hàng đã làm mất hết vốn của mình và thậm chí còn âm cả vào vốn của xã hội thì những cổ đông của ngân hàng đó phải ra đi và Nhà nước phải tiếp quản lại, thứ nhất là để giữ sự ổn định của hệ thống, thứ hai là đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp trong ngân hàng đó.
Thời gian thực hiện Đề án tái cấu trúc không còn nhiều, mục tiêu của ngành ngân hàng trong những tháng còn lại của năm sẽ là gì, thưa Thống đốc?
Theo hướng đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai mạnh mẽ hơn tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Sẽ có một số ngân hàng được hợp nhất, sáp nhập hoặc được NHNN mua lại như trường hợp Ngân hàng Xây dựng; kể cả một số ngân hàng đang khỏe mạnh cũng có thể sáp nhập để hình thành ngân hàng có quy mô lớn, khả năng hoạt động tốt hơn. Cũng sẽ có trường hợp ngân hàng thương mại nhà nước sáp nhập với nhau, ngân hàng thương mại nhà nước sáp nhập với ngân hàng cổ phần, hoặc ngân hàng cổ phần hoạt động lành mạnh sáp nhập với nhau…
Chúng tôi hy vọng, trong năm nay, sẽ xử lý ít nhất 6-8 ngân hàng. Mục tiêu chung là đến cuối 2015, tất cả nội dung cơ bản của Đề án Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ được thực hiện đầy đủ.
Năm nay là năm cuối của nhiệm kỳ Thống đốc. Nhìn lại thời gian qua, điều gì khiến ông tâm đắc nhất?
Đứng trên bình diện quốc gia, đất nước ta đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ qua, duy trì đà tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đó là những ấn tượng mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó đã tạo niềm tin lớn trong toàn xã hội và nhân dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Còn trong lĩnh vực ngân hàng, có thể khẳng định rằng, điều có ý nghĩa nhất đối với chúng tôi là niềm tin của người dân và xã hội đối với hệ thống ngân hàng ngày càng được củng cố và nâng cao. Bởi hoạt động ngân hàng là hoạt động dựa trên niềm tin. Chúng tôi coi đó là sự cổ vũ, động viên to lớn, đồng thời cũng xác định mình phải có trách nhiệm phấn đấu nhiều hơn để sao cho hệ thống ngân hàng ngày càng phát triển hiệu quả hơn, bền vững hơn, xứng đáng với niềm tin của Đảng, của nhân dân.
Tôi nhớ câu chuyện mà một đồng chí trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, rằng khi ông đi tiếp xúc cử tri, có một cử tri cao tuổi đã nói: “Ông trưởng đoàn ra Hà Nội, nếu gặp ông Thống đốc thì cho chúng tôi gửi lời cảm ơn. Nếu ông Thống đốc có dịp về tỉnh công tác thì mời ghé chúng tôi ăn cơm”.
Gần đây, trong dịp tôi đi công tác tại một tỉnh phía Nam, một cử tri đã đến gần tôi và nói: “Chào ông Thống đốc, ông không biết tôi, nhưng tôi biết rất rõ về ông. Tôi xin tặng ông Thống đốc một cái nhẫn. Chiếc nhẫn này mang lại sức khỏe, sự may mắn cho người đeo nó. Rất mong ông Thống đốc khỏe mạnh, công tác tốt để cho nhân dân chúng tôi được nhờ. Nếu ông Thống đốc không dám nhận thì cũng coi như chúng tôi cho ông mượn, đến lúc nào đó ông trả lại cho chúng tôi sau”.
Những tình cảm mộc mạc, chân thành đó của người dân khiến chúng tôi hết sức xúc động và đó sẽ là những kỷ niệm sâu đậm theo chúng tôi trong suốt cuộc đời hoạt động của mình.