Phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng 20/10.

Phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng 20/10.

Trong khó khăn, khơi dậy khát vọng vươn lên mạnh mẽ

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hơn một lần nhắc đến khát vọng phát triển đất nước khi báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 10.

Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN

Về năm 2020, người đứng đầu Chính phủ khái quát, kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm ổn định, an toàn xã hội. Đồng thời, Chính phủ thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế, duy trì và phục hồi sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, đất nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Các con số ấn tượng được Thủ tướng đề cập là tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2 - 3%.

Việt Nam là một trong các quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hoá, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế. Thủ tướng nhấn mạnh, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 và theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2020, Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.750 USD. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu là 30 - 35%). Mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, lao động giá rẻ…, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đánh giá khái quát, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Năm 2020 cũng là năm thành công của nước ta với những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước”.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, bất cập của nền kinh tế. Chẳng hạn, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động, ảnh hưởng lớn, ngoài dự báo của đại dịch Covid-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 không đạt mục tiêu đề ra.

Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ còn hạn chế. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu. Đào tạo nguồn nhân lực còn bất cập cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự tạo động lực nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một số lĩnh vực còn chậm, hiệu quả chưa cao. Xã hội hoá dịch vụ công và đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều bất cập.

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trong điều kiện chưa có tiền lệ, người đứng đầu Chính phủ cũng nêu một số bài học kinh nghiệm. Trong đó có bài học phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam, khơi dậy tinh thần yêu nước, sức sáng tạo và khát vọng phát triển, vươn lên mạnh mẽ của toàn dân tộc, tạo đồng thuận xã hội, xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường, đưa đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.

Khơi dậy khát vọng phát triển

Năm 2021 và 5 năm 2021 - 2025, theo lãnh đạo Chính phủ, Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu hiện hữu.

“Trong bối cảnh đó, chúng ta cần tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và hiện thực hoá khát vọng phát triển về tầm nhìn đến 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, Thủ tướng nói.

Giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát: phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Bên cạnh đó, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng, tự hào dân tộc; thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và không ngừng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Chú trọng bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng biến đổi khí hậu...

“Trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục tập trung thực hiện ‘mục tiêu kép’, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Có ý kiến đề nghị không nên ấn định con số tăng trưởng 2021

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, thẩm tra tình hình kinh tế, xã hội, có ý kiến cho rằng, để có cơ sở vững chắc, rủi ro ít hơn, không ảnh hưởng đến việc điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 (dự kiến 6%) thận trọng hơn, tiếp tục đặt trọng tâm phòng, chống dịch bùng phát trở lại.

Trường hợp cần thiết, có thể xây dựng các phương án tăng trưởng; có các phương án về dự toán thu, chi ngân sách nhà nước tương ứng với các phương án tăng trưởng kinh tế để chủ động, linh hoạt trong việc quản lý, điều hành. Có ý kiến đề nghị chỉ nên đặt mục tiêu phấn đấu, không nên ấn định con số tăng trưởng cho năm 2021.

Tin bài liên quan