Tuy nhiên, chỉ có thể đón được nhiều cơ hội, hóa giải tốt rủi ro khi gốc của thị trường là kinh tế vĩ mô, sức khỏe của DN vững thêm.
“NĐT muốn doanh nghiệp làm mới 3 điểm”
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI)
TTCK năm 2016 có cơ hội khởi sắc hơn năm 2015. Cơ hội này nhiều hay ít tùy thuộc vào các yếu tố tác động bên ngoài, đặc biệt là cái gốc của TTCK là kinh tế vĩ mô, “sức khỏe” của DN được cải thiện đến đâu.
Liên quan đến sức khỏe của DN, mức độ “khó tính” của NĐT trong tìm kiếm DN niêm yết để đầu tư đang tăng mạnh. NĐT muốn DN làm mới 3 điểm trong năm 2016: tái cơ cấu nợ để giảm thiểu rủi ro; nâng cao chất lượng quản trị; hướng mạnh vào phát triển bền vững. Thực hiện tốt 3 điều này, cơ hội để DN huy động vốn từ TTCK luôn rộng mở.
Liên quan đến tái cơ cấu nợ, các DN có nhiều khoản vay ngoại tệ nên tìm cách giảm nợ, nhất là khi tỷ giá trong năm 2016 được dự báo sẽ chịu tác động khá lớn từ động thái điều hành thị trường tiền tệ của Mỹ và Trung Quốc. Thực tế, thời gian qua, một số DN vay nợ lớn đã bị “đào thải”. Đây là bài học cho các DN: muốn phát triển vững chắc, gia tăng niềm tin trong giới đầu tư, các DN cần giảm tỷ lệ nợ xuống mức an toàn, không nên mở rộng đầu tư bằng tỷ lệ vốn vay cao.
Về quản trị DN, đây là vấn đề ngày càng được NĐT quan tâm, bởi có liên quan trực tiếp đến mức độ an toàn, cũng như khả năng sinh lời cho đồng vốn đầu tư của họ. Những DN quản trị minh bạch, chuyên nghiệp, tôn trọng ý kiến của cổ đông, không chỉ hấp dẫn NĐT, mà còn phát triển bền vững. Không chỉ trong năm 2016, mà dài hạn hơn, cổ phiếu của các DN này sẽ thu hút dòng tiền lớn của NĐT, nhất là NĐT nước ngoài.
“Khối CTCK giảm lượng, tăng chất để đón cơ hội mới”
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB)
Trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN vừa được hình thành, cũng như các bước chuẩn bị cho triển khai Hiệp định TPP, các dòng vốn trên toàn cầu và trong khu vực đang có sự dịch chuyển nhanh hơn. Cùng với đó là sự dịch chuyển trong cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán.
Điều này tạo môi trường tích cực để gia tăng sự cạnh tranh trong khối CTCK. Trong cuộc đua khốc liệt này, các CTCK yếu kém về năng lực tài chính, quản trị, chất lượng nhân sự… sẽ có nguy cơ bị đào thải. Những CTCK vượt qua được thách thức, không chỉ tiếp tục vững mạnh, mà còn đón được những cơ hội phát triển mới, hứa hẹn khả năng bứt phá trong năm 2016.
“Cần ổn định tỷ giá để hỗ trợ TTCK”
Ông Trịnh Hoài Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA)
Sau khi tăng lãi suất vào cuối năm 2015, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi tín hiệu sẽ tiếp tục động thái này trong năm 2016. Trong khi đó, châu Âu, Nhật Bản và một số nước trong khu vực Đông Nam Á duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, nên sẽ làm cho USD mạnh thêm.
Diễn biến trên cùng với nhân dân tệ trở thành đồng tiền thứ 5 trong rổ tiền tệ tạo nên Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế kể từ ngày 1/10/2016, sẽ gây áp lực lên tỷ giá USD/VND. Đây sẽ là một trong những nhân tố chính tác động đến dòng vốn ngoại trên TTCK Việt Nam trong năm 2016, trong đó có dòng vốn trên thị trường trái phiếu.
Thực tế, trong năm 2015, NĐT ngoại khá e dè khi tham gia thị trường trái phiếu, do lo ngại biến động tỷ giá USD/VND, cũng như tác động từ Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (khiến nhiều ngân hàng nước ngoài bán ra trái phiếu chính phủ). Tình trạng này có thể tiếp diễn trong năm 2016, nếu ẩn số tỷ giá không sớm có lời giải.
Dự báo, TTCK trong năm 2016 sẽ có những thời điểm thị trường phản ứng thái quá, nhưng không dễ tiêu cực, hoặc tích cực hơn năm 2015.