Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Là chuyên gia có thâm niên trong nghiên cứu tác động lan tỏa năng suất của FDI tới nền kinh tế Việt Nam, bà thấy tác động này thế nào?
Chúng tôi đã thực hiện nhiều nghiên cứu và các kết quả đều cho thấy, Việt Nam đã nhận được tác động tích cực từ FDI, nhưng thẳng thắn thì mức độ tác động tích cực còn thấp.
Ví dụ, khảo sát mới đây, trong số hơn 4.162 doanh nghiệp tham gia phản hồi, chỉ có 4,5% nhận được chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI từ liên kết ngược (tức là bán đầu vào cho doanh nghiệp FDI), trong khi 11% từ doanh nghiệp trong nước, tức là rất thấp, phần lớn không nhận được chuyển giao.
Tương tự, chỉ khoảng 5% doanh nghiệp trong nước nhận được chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp nước ngoài qua liên kết xuôi (mua đầu vào từ doanh nghiệp nước ngoài)...
Tại sao lại như vậy, thưa bà?
Phải nói rõ, tác động lan tỏa năng suất của FDI được dùng để chỉ loại tác động tràn của FDI đến nước nhận đầu tư thông qua các tương tác đầu ra, đầu vào giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, thông qua các hình thức phổ biến và chuyển giao công nghệ; tăng năng lực cạnh tranh và nâng cao trình độ lao động qua học hỏi kiến thức, kỹ năng từ khu vực FDI.
Như vậy, khả năng nhận chuyển giao công nghệ phụ thuộc lớn vào năng lực, quy mô của doanh nghiệp trong nước. Các nghiên cứu cho thấy, chỉ doanh nghiệp có quy mô lao động từ 50 người trở lên mới có năng lực tiếp nhận công nghệ.
Cũng chỉ có doanh nghiệp quy mô vừa và lớn mới có được hợp đồng dài hạn cung ứng sản phẩm, từ đó có cơ hội nhận chuyển giao công nghệ…
Có thể hiểu, quy mô nhỏ, năng lực yếu của doanh nghiệp trong nước là nguyên nhân khiến tác động lan tỏa năng suất của FDI tới nền kinh tế chưa như kỳ vọng?
Đúng vậy. Chúng ta phải xác định rất rõ mục tiêu cuối cùng mà chính sách thu hút FDI đạt được không chỉ là số vốn, mà là những tác động tích cực mà nền kinh tế cần trong quá trình phát triển, trong đó có mục tiêu nâng cấp doanh nghiệp Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Trên thực tế, hầu hết quốc gia đang phát triển đều thiết kế chính sách nhằm khuyến khích chuyển giao công nghệ từ FDI cho khu vực trong nước, qua đó cải thiện năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh và cuối cùng là năng suất lao động của khu vực này.
Với Việt Nam, sau một thời gian dài tập trung thu hút được nhiều vốn, chúng ta đang chuyển sang giai đoạn lựa chọn nguồn vốn FDI để thu hút, ưu tiên các dòng vốn đến từ các nền kinh tế phát triển như EU, Mỹ, ưu tiên các tập đoàn toàn cầu… thông qua các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Nhưng có lẽ, cần ưu tiên dòng FDI hướng vào mục tiêu đưa doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, bắt đầu từ việc trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam; sau đó là đủ mạnh để tạo dựng chuỗi sản xuất tại Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu này, chính sách thu hút FDI phải kết nối với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, tạo nên hệ thống phối hợp, thúc đẩy nhau. Không thể ép buộc doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ hay mua hàng của doanh nghiệp Việt nếu chất lượng doanh nghiệp, hàng hóa của Việt Nam không đạt chuẩn.
Bà có thể có ví dụ minh họa cho đề xuất này?
Hiện tại, các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong nước khá nhiều, thậm chí rải mành mành ở nhiều ngành, lĩnh vực, địa bàn.
Nhưng nếu gắn với chính sách thu hút FDI, khi muốn thu hút doanh nghiệp lớn, đầu chuỗi sản xuất thì mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa lúc này là để trở thành nhà cung cấp cho doanh nghiệp FDI.
Khi đó, chính sách hỗ trợ sẽ tập trung vào cải thiện tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình sản xuất, hỗ trợ đầu tư công nghệ để các doanh nghiệp này đáp ứng được các yêu cầu của các chuỗi sản xuất...
Với góc nhìn này, sẽ thấy rõ ai làm gì, làm thế nào, doanh nghiệp nào cần hỗ trợ…
Chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ phải nhắm tới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn, tiếp cận các viện nghiên cứu, trường học để kết hợp nghiên cứu và phát triển, cập nhật thông tin về tiêu chuẩn kỹ thuật…
Chính sách phát triển công nghệ cũng phải gắn các đề tài nghiên cứu khoa học vào mục tiêu rất cụ thể mà doanh nghiệp Việt đang cần để trở thành nhà cung cấp cho doanh nghiệp FDI trong từng ngành, lĩnh vực.
Đây cũng là giải pháp để tập trung nguồn lực hỗ trợ vốn không nhiều ở Việt Nam.
Có thể hiểu là chính sách thu hút FDI sẽ không còn đơn thuần là thu hút FDI nữa, mà phải liên thông với chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong nước?
Chắc chắn! Thử nhìn ở góc độ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, mục đích của chính sách này là nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực này, để có thể tiếp cận với chuỗi giá trị sản xuất lớn, nhất là chuỗi giá trị toàn cầu.
Ở đây, câu hỏi phải trả lời là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần gì để tham gia được, trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.
Nhưng, các nhà hoạch định chính sách đã đến lúc cũng phải đặt câu hỏi khác, đó là làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam có thể trở thành người mở chuỗi, thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa cả trong nước và các doanh nghiệp FDI làm nhà cung cấp?
Hiện tại, một số doanh nghiệp Việt Nam đã có thể sản xuất sản phẩm cuối cùng, cần thu hút các nhà cung cấp là FDI. Đây cũng là dòng vốn FDI tạo ra sự lan tỏa rất tích cực, thông qua liên kết xuôi.
Tất nhiên, để làm được việc này cần có chiến lược rõ ràng dành cho các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, để đầu tư vào đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ…
Bài học kinh nghiệm có thể thấy từ Trung Quốc, sau một thời gian thu hút FDI, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã làm chủ về công nghệ, đứng đầu chuỗi sản xuất.
Cũng phải thẳng thắn, thế giới hiện tại là chuỗi, là kết nối, thì để doanh nghiệp kết nối chuỗi, chính sách cũng phải được xây dựng trên cơ sở kết nối mạng lưới…
Nếu chính sách thu hút FDI và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp không liên thông, kết nối, thúc đẩy nhau thì sẽ khó đạt được cả mục tiêu trong thu hút FDI và trong nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, tăng tính tự chủ của nền kinh tế.
Hơn thế, nếu chúng ta không bước lên nấc thang cao hơn, doanh nghiệp trong nước không lớn mạnh hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn, thì khi giá trị của các chính sách ưu đãi đầu tư hết thời hiệu, dòng FDI cũ không ở lại, FDI mới cũng sẽ không đến.