Tờ báo The Guardian (Anh) dẫn lời nguồn tin từ một đối tác của Apple cho biết trợ lý ảo Siri sử dụng trên các thiết bị di động của Apple vẫn thường xuyên nghe lén các cuộc hội thoại của người dùng và ghi lại các thông tin cá nhân và nhạy cảm mà người dùng không hề hay biết.
Nội dung những cuộc hội thoại này sau đó sẽ được gửi đến cho một công ty bên thứ 3 (đối tác của Apple) để phân tích nội dung và thông thường các cuộc hội thoại này sẽ được nghe và xử lý bởi con người, thay vì xử lý bằng máy móc.
Nguồn tin của The Guardian cho biết họ đã nghe thấy vô số các cuộc hội thoại với những nội dung nhạy cảm và riêng tư, như nội dung thảo luận giữa bác sĩ với bệnh nhân, các thỏa thuận mua bán, các giao dịch chất cấm hay thậm chí các cuộc hội thoại khi người dùng đang “mây mưa”...
Theo nguồn tin thì đôi khi trợ lý ảo Siri trên các thiết bị di động đã tự động được kích hoạt mà người dùng không hề hay biết. Thông thường để kích hoạt Siri, người dùng sẽ phải dùng khẩu lệnh “Hey Siri”, tuy nhiên trong nhiều trường hợp, trợ lý ảo này có thể tự kích hoạt khi nghe nhầm các âm thanh, chẳng hạn như nghe nhầm âm thanh kéo khóa áo hoặc trợ lý Siri trên đồng hồ Apple Watch có thể tự kích hoạt khi người dùng vô tính đưa tay lên và nói điều gì đó...
Trong trang web về điều khoản sử dụng của mình, Apple cho biết nhằm mục đích giúp công ty có thể nhận diện được cách phát âm của người dùng và cung cấp phản hồi tốt hơn, một số thông tin nhất định như tên, danh bạ, loại nhạc đang nghe và nội dung tìm kiếm của người dùng sẽ được gửi đến máy chủ của Apple bằng giao thức được mã hóa, tuy nhiên Apple không hề đề cập đến việc các nội dung tìm kiếm qua Siri sẽ được ghi âm lại và được phân tích bởi con người.
Sau công bố của The Guardian, Apple đã lên tiếng xác nhận một “số lượng nhỏ” các nội dung được ghi âm bởi trợ lý ảo Siri được nghe và phân tích bởi con người.
“Một số lượng nhỏ các yêu cầu thông qua trợ lý ảo Siri được phân tích nhằm giúp cải thiện khả năng nhận diện và phản hồi của Siri. Các nội dung này được phân tích trong các cơ sở dữ liệu an toàn và tất cả các nhà đánh giá đều có nghĩa vụ tuân thủ các yêu cầu bảo mật nghiêm ngặt của Apple”, đại diện Apple cho biết trong một thông cáo đưa ra.
Phía Apple ước tính chỉ 1% các yêu cầu thông qua Siri của người dùng trên toàn cầu sẽ được ghi lại và phân tích, tuy nhiên 1% là con số không hề nhỏ so với số lượng 500 triệu thiết bị có tích hợp trợ lý ảo Siri được sử dụng hàng ngày.
Theo các chuyên gia bảo mật thì cách đơn giản nhất để ngăn chặn việc Siri tự ý ghi âm lại các cuộc thảo luận của người dùng mà họ không hay biết đó là vô hiệu hóa trợ lý ảo Siri trên thiết bị của mình.
Đáng chú ý, không chỉ trợ lý ảo Siri và nhiều trợ lý ảo khác như Alexa của Amazon hay Google Assistant của Google cũng đã bị phát hiện bí mật thu âm các cuộc hội thoại của người dùng và các nội dung này được phân tích bởi những con người thực sự. Điều này khiến cho nhiều người dùng cảm thấy lo ngại khi mà những cuộc nói chuyện hàng ngày của mình có thể bị nghe lén và theo dõi bất cứ lúc nào.
Điều đáng nói là Apple vẫn luôn tự hào về khả năng bảo vệ riêng tư cá nhân của mình vượt trội hơn so với các hãng công nghệ khác, thậm chí thường xuyên chế giễu các đối thủ như Google hay Facebook đã không thể bảo vệ người dùng tốt như mình. Tuy nhiên, tiết lộ của The Guardian có thể phần nào làm ảnh hưởng đến uy tín và những gì mà Apple vẫn luôn tự hào.