Kiều hối là nguồn lực quan trọng để phát triển TP.HCM và cả nước.

Kiều hối là nguồn lực quan trọng để phát triển TP.HCM và cả nước.

Trợ lực “vàng” từ kiều hối

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lượng kiều hối không chỉ đóng góp nguồn lực đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, mà còn góp phần hỗ trợ và phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Tác động tích cực lên cung ngoại tệ, tỷ giá

Theo báo cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) thực hiện, Việt Nam tiếp tục là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới trong năm 2022. Theo báo cáo, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu trong 2 năm qua, đi kèm với lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia, song dòng kiều hối về Việt Nam vẫn khá ổn định. Cụ thể, kiều hối về Việt Nam năm 2022 tăng gần 5% so với năm trước (tương đương mức tăng của năm 2021), đạt gần 19 tỷ USD và được dự báo tăng từ 3,6 - 4,5% trong năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM

Đối với các nước, đặc biệt là quốc gia đang phát triển, kiều hối mang lại những lợi ích tích cực và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Tại Việt Nam, bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, kiều hối là nguồn lực vàng đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước, cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời hỗ trợ và phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, kiều hối góp phần trong việc bảo đảm cung - cầu ngoại tệ, quan trọng trong việc phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất, đặc biệt trong bối cảnh áp lực tăng tỷ giá, tăng lãi suất là không nhỏ và các đồng tiền tại một số quốc gia trên thế giới mất giá mạnh.

Thực tế cho thấy, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam không chỉ giúp đỡ thân nhân trong nước, chảy vào sản xuất - kinh doanh, góp phần hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế, mà còn là nguồn cung giúp ổn định thị trường ngoại hối, từ đó góp phần ổn định tỷ giá USD/VND trong những năm qua.

Đồng thời, kiều hối cũng là một phần rất quan trọng cung cấp nguồn vốn đầu tư trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh. Nếu xem đây là nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội, thì kiều hối có đặc điểm khác với các nguồn vốn khác, đó là nguồn thu ngoại tệ ổn định, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, không phải hoàn trả, không phải trả chi phí sử dụng vốn, chi phí lãi vay, giảm thiểu sự phụ thuộc nguồn vốn nước ngoài, góp phần ổn định tỷ giá hối đoái, tạo ra nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế, không tạo gánh nặng nợ nước ngoài cho nền kinh tế…

Các giải pháp tăng lượng kiều hối về TP.HCM

Tại TP.HCM, nếu so với nguồn thu ngân sách TP.HCM (năm 2022 đạt trên 434.000 tỷ đồng), nguồn kiều hối chuyển về trên địa bàn trong năm 2022 đạt 6,8 tỷ USD là nguồn thu không nhỏ, mang lại hiệu ứng tích cực. Còn nếu so với quy mô tiền gửi bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn thì nguồn kiều hối chuyển về năm 2022 chiếm 48%.

Trong suốt 5 năm trở lại đây, nguồn kiều hối chuyển về Thành phố luôn trong xu hướng tăng trưởng qua từng năm và chiếm tỷ trọng cao so với cả nước. Năm 2018, kiều hối chuyển về Thành phố chiếm 44,1% so cả nước; năm 2019, tỷ lệ này là 48%; năm 2020, chiếm 53,8%; năm 2021 chiếm 52,8% và năm 2022, kiều hối chuyển về trên địa bàn chiếm 55,03% so với cả nước.

Trong quý I/2023, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt mức tăng trưởng 19,41% so với cùng kỳ và bằng khoảng 32% tổng lượng kiều hối chuyển về địa bàn trong năm 2022.

Còn trong quý I/2023, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt mức tăng trưởng 19,41% so với cùng kỳ và bằng khoảng 32% tổng lượng kiều hối chuyển về địa bàn trong năm 2022, đồng thời cao hơn nhiều so với mức tăng 14,2% (so với cùng kỳ) của quý I/2022.

Trong đó, nguồn kiều hối chuyển về từ châu Á (khu vực ổn định và duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế) chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM trong quý I/2023, chiếm 43%, đồng thời tăng khoảng 84% so với cùng kỳ năm trước. Điều này góp phần giúp kiều hối trong quý I/2023 tăng trưởng cao, mặc dù tại các khu vực khác như châu Mỹ, châu Âu, châu Đại Dương kiều hối chuyển về giảm do điều kiện kinh tế khó khăn và lạm phát tăng.

Ngoài yếu tố cơ chế chính sách về ngoại hối, về lao động nước ngoài, về môi trường cũng như mạng lưới và dịch vụ chi trả, thì kiều hối còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và khu vực trên thế giới, nơi kiều bào sinh sống, người lao động làm việc. Các năm qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách phù hợp hơn đối với kiều bào và người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để khơi dòng kiều hối chảy về Việt Nam ngày một nhiều hơn trước.

Với TP.HCM, lượng kiều hối chuyển về Thành phố cao nhất cả nước và luôn tăng cao qua các năm, ngoài yếu tố cơ chế, chính sách thu hút kiều hối của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, thì vai trò, vị trí của Thành phố là trung tâm kinh tế lớn của cả nước có tác động quan trọng, thu hút nguồn kiều hối chuyển về trong suốt thời gian qua. Để gia tăng hơn nữa dòng chảy kiều hối qua địa bàn Thành phố, cần tiếp tục duy trì lợi thế và thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nguồn vốn đầu tư, thu hút nguồn kiều hối chuyển về để đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, lĩnh vực công nghệ, phát triển kinh tế xanh…

Thứ hai, tiếp tục xây dựng và phát triển thành phố văn minh hiện đại và nghĩa tình, là thương hiệu và niềm tự hào của người dân Thành phố mang tên Bác, của kiều bào ở nước ngoài, cũng như chính mỗi người Việt đang lao động, sinh sống và học tập tại nước ngoài. Theo đó, khơi dậy lòng yêu nước, yêu thành phố và niềm tự hào về thành phố anh hùng, văn minh hiện đại nghĩa tình, đổi mới sáng tạo…, tất cả những điều đó sẽ là động lực thúc đẩy, khuyến khích kiều bào bằng những hành động cụ thể của mình đóng góp cho quê hương về nhiều mặt: tài chính, nguồn nhân lực, ý tưởng cho sự phát triển thành phố, sự phát triển đất nước...

Đây là giải pháp cần tiếp tục quan tâm thực hiện và thực hiện đồng bộ qua các hoạt động cụ thể về ngoại giao; giao lưu văn hóa; du lịch; học tập; khám chữa bệnh; hợp tác giữa doanh nghiệp và cộng đồng người Việt ở nước ngoài; phát huy vai trò của hội doanh nhân; vai trò ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài trong hoạt động giao lưu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm; thông tin tuyên truyền và xúc tiến thương mại, đầu tư, lao động…

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện chính sách và phát triển hiệu quả hệ thống mạng lưới cung ứng dịch vụ kiều hối trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, cải cách hành chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để đáp ứng tốt nhất nhu cầu thanh toán, chi trả kiều hối nhanh chóng, kịp thời, an toàn và hiệu quả.

Giải pháp này thực hiện tốt từ các tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế được phép nhận và chi trả ngoại tệ, cùng với hệ thống mạng lưới rộng khắp trên địa bàn quận, huyện sẽ là yếu tố thuận lợi, góp phần thu hút nguồn kiều hối chuyển về Thành phố, không chỉ là sự tiện ích, mà còn gây dựng niềm tin chính sách, niềm tin vào dịch vụ kiều hối, kích thích và thúc đẩy hoạt động này phát triển.

Có thể nói, kiều hối sẽ cùng với các nguồn vốn khác từ nền kinh tế, góp phần vào phát triển sản xuất - kinh doanh, thương mại dịch vụ, cũng như tham gia vào các thị trường, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Đồng thời, đây cũng là điểm sáng phản ánh môi trường đầu tư của đất nước ngày càng thuận lợi, cho thấy sự quan tâm và lòng yêu nước của kiều bào, sự chịu khó và tích lũy của người lao động Việt Nam tại nước ngoài…

Tin bài liên quan