USD đang tăng giá liên tiếp so với các đồng tiền chủ chốt khác.

USD đang tăng giá liên tiếp so với các đồng tiền chủ chốt khác.

Trợ lực của đồng bạc xanh bắt đầu lộ diện

0:00 / 0:00
0:00
USD thiết lập 2 tuần liên tiếp tăng giá, khiến giới phân tích băn khoăn, liệu thị trường đang gặp sai lầm nghiêm trọng và liệu trợ lực cho đồng bạc xanh có thể bền bỉ.

Trợ lực không chỉ đến từ Fed

Tuần trước, USD thiết lập tuần tăng giá thứ hai liên tiếp, bất luận việc tăng lãi suất của Nhật Bản, cùng với động thái ngược pha của Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ đã để lộ cách biệt chính sách giữa Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác.

Cụ thể, US Dollar Index (DXY) - chỉ số đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt khác (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), đã tăng 2 tuần liên tiếp với mức tăng 0,8%, lên 104,21.

Kỳ vọng về việc nới lỏng chính sách tiền tệ ở Trung Quốc đã gây áp lực lên đồng nhân dân tệ (CNY) và đồng tiền này đã trượt xuống mức thấp nhất trong 4 tháng qua tại phiên giao dịch trong nước. Trong lần giao dịch gần nhất (phiên cuối của tuần trước), CNY được quy đổi ở mức 7,2254 CNY đổi 1 USD và biến động này để lại dư chấn cho các thị trường ngoại hối khác, khiến USD mạnh lên trong các phiên giao dịch ở châu Á.

Đồng euro tuần trước đã chạm mức thấp nhất trong 3 tuần, khi giao dịch ở mức 1 EUR đổi 1,0834 USD, giảm 0,5% trong tuần. Còn với đồng đô la Australia (AUD), ở mức 1 AUD đổi 0,6524 USD, giảm 0,5% trong tuần trước, mặc dù đã được “trợ lực” từ số liệu việc làm có chút cải thiện. Trong khi đó, đồng đô la New Zealand (NZD) trượt giá 1,2%, xuống mức thấp nhất trong 4 tháng khi được giao dịch 1 NZD đổi 0,6012 USD.

Cùng nhóm 10 đồng tiền mạnh (nhóm G10), Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ đã có động thái gây bất ngờ khi quyết định cắt giảm lãi suất (giảm 25 điểm cơ bản xuống 1,5%) với lý do là đồng franc mạnh lên.

Sau khi tăng lãi suất 525 điểm cơ bản kể từ đầu năm 2022, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất liên bang ở mức 5,25 - 5,5% trong cuộc họp chính sách kết thúc vào ngày 19/3. Fed vẫn theo đuổi triển vọng thực hiện 3 đợt cắt giảm trong năm 2024, nhưng sẽ không bắt đầu hành động cho đến khi niềm tin được củng cố rằng lạm phát sẽ giảm về mục tiêu 2% một cách bền vững.

“Điều đó sẽ khiến một số người suy nghĩ xem ai (ngân hàng trung ương - BTV) sẽ là người tiếp theo”, ông Imre Speizer, chiến lược gia của ngân hàng đa quốc gia Westpac (Australia), bình luận sau động thái của Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ đang ở trạng thái tốt và có vẻ như Fed không cần phải vội vàng cắt giảm lãi suất, ông Speizer lưu ý.

Franc Thụy Sỹ (CHF), đồng tiền G10 hoạt động tốt nhất năm 2023, tuần trước đã giảm hơn 1% chỉ sau một đêm, xuống còn 1 CHF đổi 0,8894 USD, mức thấp nhất trong 4 tháng và trượt xuống mức thấp nhất trong 9 tháng so với đồng euro, khiến nó tiến gần hơn đến mức ngang giá.

Trái lại, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã có quyết định không khó đoán khi từ bỏ áp dụng chính sách lãi suất ngắn hạn ở mức âm và giới hạn lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn. Ngay sau động thái của ngân hàng trung ương, đồng yên Nhật Bản (JPY) đã trượt giá so với đồng bạc xanh và có thời điểm giao dịch ở mức 151,51 JPY đổi 1 USD.

Các nhà giao dịch đang kỳ vọng lãi suất cơ bản của Fed trong năm nay sẽ giảm khoảng 80 điểm cơ bản, thấp hơn nhiều so với mức giảm 160 điểm cơ bản được dự đoán vào đầu năm.

“Với sự điều chỉnh và định giá trên dựa trên số lần cắt giảm lãi suất của Fed, chúng tôi thấy rằng, lực hỗ trợ cho USD đang bắt đầu xuất hiện trở lại”, ông Patrick Hu, nhà giao dịch tiền tệ nhóm G10 tại tập đoàn tài chính Citi, nhận định. “Đây là một trong những yếu tố chính, lý giải tại sao tỷ giá USD/JPY không giảm, mà thực sự bắt đầu tăng cao hơn”, ông Hu lưu ý.

Bằng chứng là, tỷ giá USD/JPY đã tăng 1,6% trong tuần trước và tiến gần đến mức từng khiến cơ quan tiền tệ Nhật Bản phải can thiệp vào năm 2022. Điều này làm các nhà đầu tư không khỏi lo lắng và đi tìm các loại tiền tệ khác để mua vào nhằm kiếm khoản chênh lệch lãi suất.

Tương tự, tỷ giá EUR/JPY tuần trước cũng đạt mức cao nhất kể từ năm 2008 khi giao dịch ở mức 165,37 JPY đổi 1 EUR, còn đồng đô la Australia lần đầu tiên vượt qua mức 1 AUD đổi 100 JPY kể từ năm 2014.

Ngoài Fed, tuần trước cũng chứng kiến Ngân hàng Trung ương Anh quyết định giữ lãi suất ổn định ở mức 5,25%. Và đồng bảng Anh (GBP) trong tuần trước đã trượt giá 0,7% và chạm mức thấp nhất trong 3 tuần khi chỉ giao dịch ở mức 1 GBP đổi 1,2635 USD trong phiên giao dịch châu Á.

Rõ ràng, các trợ lực cho đà đi lên của USD, ngoài chuyện lãi suất của Fed, còn có bàn tay đồng bộ của các ngân hàng trung ương lớn khác. Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, 8 trong số 11 ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, bao gồm cả các ngân hàng của châu Âu và Canada, dự kiến bắt đầu nới lỏng chính sách từ quý II/2024 cùng với Mỹ. Con số này sẽ tăng lên 10, từ quý III/2024.

Bà Frances Donald, Kinh tế trưởng toàn cầu tại Quỹ quản lý đầu tư Manulife Investment Management, cho biết: “Trong lịch sử, chính Mỹ và Fed đã dẫn dắt câu chuyện vĩ mô này (lãi suất và tỷ giá - BTV), và bây giờ, Mỹ và Fed đang đứng cuối trong chuyện nới lỏng chính sách. Do đó, tôi rất khó đưa ra dự báo USD sẽ giảm giá vì chúng tôi thấy Fed và Mỹ có mức độ phục hồi kinh tế và chủ nghĩa ngoại lệ vượt xa các bên khác”.

Thị trường việc làm mạnh mẽ của Mỹ cùng với lạm phát lõi đang dần ổn định trở lại mục tiêu 2%, đã thúc đẩy các nhà giao dịch hoán đổi ngoại tệ (SWAP) tìm kiếm cơ hội từ khác biệt chính sách giữa các ngân hàng trung ương lớn, thay vì nhất quyết đặt cược vào thời gian và tốc độ cắt giảm lãi suất của Fed. Bởi lẽ, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, cho biết khá chung chung vào đầu tháng này rằng, họ đang tiến gần đến niềm tin cần thiết để bắt đầu nới lỏng tiền tệ, trong khi bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khẳng định, họ có thể sẵn sàng hạ lãi suất vào tháng 6 tới.

“Khi chúng tôi tin rằng, sự chú ý chuyển sang vấn đề khác biệt về chính sách, thị trường tiền tệ có thể bắt kịp”, ông Alex Everett, Giám đốc quản lý tỷ giá tại Công ty đầu tư toàn cầu Abrdn plc (Vương quốc Anh) cho biết. Vị này nhận định: “Đồng bạc xanh sẽ thể hiện tốt trong thời gian tới, được thúc đẩy bởi sức mạnh kinh tế được duy trì và lạm phát khá lành tính sẽ xuống thấp hơn nữa”.

Giới giao dịch có cược nhầm?

Các nhà đầu tư kém lạc quan với USD lâu nay luôn chiếm thế thượng phong trên thị trường. Kể từ năm 2017, họ đã đặt cược rằng USD sẽ trượt giá, cho nên nguy cơ đảo ngược xu hướng của đồng bạc xanh sẽ để lại hậu quả rất tàn khốc nếu họ cược nhầm.

Năm 2024 không phải ngoại lệ. Các chiến lược gia trên phố Wall cược rằng, đến cuối năm, hầu hết các đồng tiền trong nhóm G10 đều tăng giá so với USD, trong đó đồng euro sẽ tăng giá lên mức 1,1 EUR “ăn” 1 USD và đồng yên mạnh lên mức 139 JPY đổi 1 USD.

Hiệu suất của USD phản ánh cả việc điều chỉnh lại đặt cược về mức độ cắt giảm của Fed, đồng thời phản ánh nhận thức rằng, Mỹ sẽ không hành động một cách cô lập. Mười trong số 11 ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, bao gồm cả Fed, dự kiến cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay khi tăng trưởng toàn cầu suy yếu, đánh dấu chu kỳ nới lỏng chính sách đồng bộ nhất trong 16 năm qua, theo phân tích của Bloomberg dựa trên dự báo và dữ liệu kinh tế từ Ngân hàng Thanh toán quốc tế - một tổ chức được ví như “ngân hàng trung ương” của các ngân hàng trung ương.

Phân tích cho thấy, USD đã tăng trung bình hơn 3% trong mỗi quý khi 80% ngân hàng trung ương trở lên cùng lúc nới lỏng chính sách. Đồng bạc xanh sẵn sàng giữ được lợi thế như vậy bởi lãi suất của Fed được dự báo sẽ vẫn cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển (sau New Zealand) vào cuối năm nay.

Ông Vishnu Varathan, Trưởng bộ phận phân tích kinh tế và chiến lược tại Mizuho Bank, cảnh báo: “Rõ ràng, việc đặt cược bán khống USD một cách quyết liệt có nguy cơ dẫn đến sai lầm nghiêm trọng”.

Viễn cảnh có vẻ trái ngược về việc đồng bạc xanh trỗi dậy sẽ trở nên thực tế hơn nếu nền kinh tế số một thế giới tiếp tục kiên cường và tránh được suy thoái, buộc các thị trường phải giảm bớt kỳ vọng về việc mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ.

Tin bài liên quan