Giá xăng RON 95 tại Malaysia vào đầu tháng 6/2022 chỉ ở mức 13.000 đồng/lít nhờ sự trợ giá của chính phủ.
Phát biểu trên đài CNBC, bà Sian Fenner, chuyên gia kinh tế châu Á trưởng tại Công ty nghiên cứu kinh tế Oxford Economics, cho biết: "Mặc dù chúng ta đang thấy lạm phát gia tăng, và chúng ta sẽ thấy lạm phát còn tăng cao hơn trong tương lai, đặc biệt là vào nửa cuối năm..., nhưng các hộ gia đình (ở Malaysia - BTV) theo một cách nào đó đã được bảo vệ bởi những khoản trợ cấp nhiên liệu".
Theo bà Sian Fenner, chi tiêu hộ gia đình tăng trưởng mạnh mẽ sẽ vẫn là động lực tăng trưởng chính của Malaysia trong năm 2022.
Đối với Malaysia, "giá dầu tăng cao hơn và giá năng lượng cũng vậy… đồng nghĩa với việc họ cũng thu về khoản doanh thu cao hơn", bà Sian Fenner nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nữ chuyên gia lưu ý, khi thu được khoản tiền cho thuê mỏ (royalties) và lợi tức từ Công ty dầu khí Petronas - đơn vị có thể gánh khoản chi phí trợ cấp xăng dầu - thì chính phủ Malaysia cần nghĩ cách làm sao để "hợp lý hóa" hoặc giảm bớt các khoản trợ cấp đó.
Trên thực tế, giá xăng dầu của Malaysia thuộc hàng thấp nhất thế giới được cho là nhờ chính sách trợ giá nhiên liệu của chính phủ nước này. Vào đầu tháng 6/2022 - thời điểm giá xăng tại Việt Nam đã là 31.573 đồng/lít, thì xăng RON 95 tại Malaysia được chính phủ trợ giá, nên chỉ ở mức 13.000 đồng/lít.
Theo báo cáo nghiên cứu của CGS - CIMB và The Star, ước tính, giá dầu tăng 1 USD/thùng (tương đương 4,18 RM) thì chính phủ Malaysia sẽ phải chi ra thêm 80 triệu RM (tương đương 18 triệu USD) tiền trợ cấp nhiên liệu để giữ giá xăng RON95 và dầu diesel lần lượt là 2,05 RM (0,47 USD) và 2,15 RM/lít (0,49 USD).
Để bình ổn giá xăng dầu trước biến động thị trường xăng dầu thế giới, Malaysia phải tốn thêm tiền trợ cấp mỗi khi giá xăng dầu tăng - số tiền vốn có thể được dành cho các dự án kinh tế.
Bà Sian Fenner dự đoán rằng, lạm phát ở Malaysia sẽ vẫn ở mức khá cao trong hai năm tới. Nữ chuyên gia cho rằng, các ngành sản xuất chế tạo, xây dựng và dầu cọ của Malaysia đang phải đối mặt với những hạn chế về lao động, mặc dù quốc gia này đã mở cửa lại biên giới.
Mặc dù những áp lực của thị trường lao động được dự đoán sẽ giảm bớt vào nửa cuối năm 2023, nhưng chúng "chắc chắn là thách thức" mà đất nước đang phải đối mặt lúc này, bà Sian Fenner nói thêm.
Tình trạng thiếu lao động tay nghề thấp ở Malaysia đang dần được khắc phục, nhưng mức lương có chiều hướng tăng lên đang khiến Ngân hàng Trung ương Malaysia trong thế khó khi quyết định tăng lãi suất.
Tuy vậy, vào cuối ngày 6/7, Malaysia đã tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm lên 2,25% nhằm kiềm chế lạm phát. Đây là lần thứ hai Malaysia tăng lãi suất kể từ đầu năm.
"Lạm phát đã tăng tốc trong tháng 5. Và áp lực lạm phát đang ngày càng gia tăng. Đó không chỉ là chi phí ăn uống, không chỉ ở lĩnh vực năng lượng hoặc phương tiện giao thông, mà còn liên quan đến lĩnh vực giải trí và lưu trú. Và đó thực sự là tác động của việc mở cửa trở lại", bà Fenner nói.