Trình Quốc hội gỡ khó, đẩy nhanh tiến độ 3 chương trình mục tiêu quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Phiên họp sáng 13/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên họp sáng 13/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sáng 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới.

Thừa ủy quyền Thủ tướng báo cáo nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tiến độ phân bổ, sử dụng nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 tại cả trung ương và các cấp tại địa phương còn chậm, phải báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn sang năm 2023 (tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội), dồn áp lực giải ngân vốn trong năm 2023.

Quá trình thực hiện cũng còn khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách. Cụ thể, qua rà soát, có thể phân loại kiến nghị của địa phương theo các nhóm vấn đề: vướng mắc liên quan đến áp dụng quy định của một số luật chuyên ngành (Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…) cần nghiên cứu, báo cáo Quốc hội tháo gỡ.

Hai là, nhóm vướng mắc về thể chế mang tính đặc thù cá biệt của 1 địa phương, chưa phù hợp với mặt bằng pháp lý áp dụng chung cho các địa phương trên cả nước.

Ba là, nhóm vướng mắc về thể chế thuộc thẩm quyền xử lý của địa phương (cơ chế lồng ghép, xác định chi phí quản lý dự án, chi phí bảo trì công trình đặc thù việc phân cấp trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất).

Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ đề xuất trình Quốc hội quyết định cho phép HĐND cấp tỉnh được quyết định việc phân cấp cho UBND cùng cấp quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, kế hoạch, mô hình phát triển sản xuất trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia’.

Đề xuất thứ hai là Quốc hội giao chủ trì liên kết, đại diện cộng đồng người dân tự thực hiện việc mua sắm, chủ trì liên kết, đại diện cộng đồng người dân được tự quyết định hình thức mua sắm; đồng thời, tài sản hình thành sau hỗ trợ (nếu có) được chuyển giao cho chủ trì liên kết, cộng đồng người dân quản lý, sử dụng trong suốt vòng đời dự án

Chính phủ còn đề xuất, về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với các dự án, công trình dự kiến áp dụng cơ chế đặc thù: Cho phép các địa phương phân bổ, giao dự kiến tổng nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung thực hiện các dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp theo cơ chế đặc thù; chưa bắt buộc giao tên danh mục dự án, quy mô dự án cụ thể.

Về giao kế hoạch đầu tư vốn hằng năm: Giao danh mục dự án, công trình áp dụng cơ chế đặc thù đảm bảo mức vốn bố trí các dự án này không vượt quá tổng mức vốn trung hạn cho nhóm dự án thực hiện theo cơ chế đặc thù.

Đề xuất nữa của Chính phủ là quy định cho phép các địa phương được sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách tự cân đối của địa phương ủy thác qua hệ thống ngân hàng chính sách để cho các đối tượng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia vay vốn tín dụng ưu đãi trong thực hiện một số nội dung, hoạt động thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia (tương tự cơ chế Quốc hội đã quyết nghị áp dụng cho TP.HCM).

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất kéo dài thời hạn thực hiện, giải ngân đến hết ngày 31/12/2024 đối với vốn ngân sách nhà nước của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết trong năm 2023 để đảm bảo đủ nguồn lực cho các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung, hoạt động của các chương trình ngay sau khi được Quốc hội cho phép thực hiện các giải pháp về thể chế nêu trên.

Các địa phương được chủ động quyết định việc điều chỉnh vốn giữa các nội dung, dự án trong kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã được cấp có thẩm quyền giao để đẩy nhanh tiến độ thực hiện (điều chỉnh từ vốn từ các nội dung, dự án không còn đối tượng hỗ trợ, hoặc không giải ngân được vốn để bổ sung vốn cho các nội dung, dự án có khả năng giải ngân vốn), phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn, hoàn thành mục tiêu của từng chương trình.

Một đề xuất nữa của Chính phủ là được thực hiện thí điểm việc phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đa số các đề xuất trên được sự ủng hộ của các cơ quan của Quốc hội, theo báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội về 3 chương trình này.

Nêu ý kiến, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ủng hộ các đề xuất của Chính phủ và cho rằng, nên đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để đẩy nhanh tiến độ và đổi mới quản lý để phù hợp với thực tế.

"Tôi ủng hộ phân cấp mạnh và giao cho địa phương chịu trách nhiệm, cơ chế thí điểm áp dụng cho đến khi kết thúc chương trình", ông Hải nêu quan điểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Lê Quang Mạnh cũng thể hiện đồng tình với nhiều đề xuất, trong đó có việc kéo dài thời hạn thực hiện, giải ngân đến hết 31/12/2024 đối với vốn ngân sách nhà nước của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết trong năm 2023.

Đồng ý với tất cả nội dung Chính phủ đề xuất, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý xem còn có vướng mắc gì nữa thì đề xuất cho hết để Quốc hội quyết định.

Tin bài liên quan