Quỹ vaccine Covid-19 đã nhận được đóng góp và cam kết hỗ trợ với tổng số tiền hàng ngàn tỷ đồng từ các doanh nghiệp; bên cạnh sự đóng góp từ các tổ chức, bộ ngành và địa phương, nhân dân ở trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài
Dù khó vẫn nhiệt tình đóng góp
Với tâm thế ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 (Quỹ vắc-xin) là chia sẻ gánh nặng cho đất nước, nhiều tháng qua, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trên khắp mọi miền Tổ quốc đã nhiệt tình đóng góp vào Quỹ.
Thực tế cho thấy, gần 2 năm qua, dịch bệnh kéo dài khiến các chuỗi cung ứng sản xuất bị đứt gãy, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đảo lộn, phần lớn doanh nghiệp đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần vượt khó, thích ứng với tình hình mới, duy trì được sản xuất, đồng thời đóng góp kinh phí vào Quỹ vắc-xin nhằm giúp kiểm soát dịch bệnh.
Từ cuối tháng 4/2021, khi dịch tái bùng phát tại nhiều địa phương, cả nước bước vào giai đoạn chống dịch mới, nhiều khó khăn do biến thể Delta gây ra. Lúc này, nhu cầu mua và sử dụng vắc-xin càng trở nên khẩn cấp. Ý tưởng về thành lập Quỹ vắc-xin được hiện thực hóa và ngay lập tức thu hút sự đóng góp lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp.
Hiện tại, theo thống kê, đã có hơn 20 doanh nghiệp ủng hộ với số tiền từ 100 đến 500 tỷ đồng; hơn 60 doanh nghiệp ủng hộ từ 10 đến dưới 100 tỷ đồng; hơn 100 doanh nghiệp ủng hộ Quỹ từ 1 đến 10 tỷ đồng; còn lại khoảng hơn 50 doanh nghiệp ủng hộ dưới 1 tỷ đồng.
Từ tháng 5/2021, tại trụ sở Bộ Y tế, khi Quỹ vắc-xin mới được thành lập, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thường xuyên tiếp nhận tài trợ của các doanh nghiệp. Kỷ lục trong buổi sáng ngày 28/5, có 8 đơn vị, doanh nghiệp trao tặng 185 tỷ đồng cho Quỹ.
Theo đại diện Tập đoàn T&T, đóng góp cho Quỹ vắc-xin không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, lòng nhân ái, mà còn thể hệ phần nào sức mạnh, nội lực tiềm tàng của các doanh nghiệp Việt. Hành động này còn thể hiện bản lĩnh, khẳng định vai trò đủ sức đảm đương phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước của các doanh nghiệp nội.
Tương tự, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát cho biết, Covid-19 tàn phá khủng khiếp nền kinh tế, khiến hàng chục ngàn doanh nghiệp lao đao, nhưng không đánh gục được nhuệ khí, nhiệt huyết của người Việt. Khó khăn chính là lúc bản lĩnh doanh nghiệp được thể hiện, chứng minh “lửa thử vàng, gian nan thử sức”.
Đi đầu trong tự chủ vắc-xin
Xác định không thể theo đuổi mục tiêu Zezo Covid-19, nên hiện nay việc cấp bách để thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch là thực hiện tự chủ vắc-xin để đảm bảo đủ nguồn cung phục vụ nhu cầu tiêm chủng.
Sau khi huy động sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, người dân thông qua Quỹ vắc-xin, việc sử dụng hợp lý từ nguồn này để phòng chống dịch cũng được minh bạch để mọi tổ chức, cá nhân nắm được. Theo thông tin từ Quỹ vắc-xin, trong tổng số 8.781,8 tỷ đồng đã huy động được, đã chi 6.944,1 tỷ đồng, trong đó chi mua vắc-xin 6.935,3 tỷ đồng, chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin 8,8 tỷ đồng, hiện tại số dư Quỹ còn khoảng hơn 1.800 tỷ đồng.
Nhìn lại gần 2 năm chống dịch vừa qua, có thể thấy nỗ lực to lớn của doanh nghiệp trong đàm phán, cung ứng vắc-xin nhập khẩu và nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước.
Còn nhớ, tháng 11/2020, khi tại Anh, Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca bắt đầu rục rịch thử nghiệm giai đoạn III của vắc-xin Covid-19, Công ty cổ phần Vắc-xin Việt Nam (VNVC) khi đó đã chấp nhận mạo hiểm, chấp nhận rủi ro, mạnh dạn đặt cọc hợp đồng mua vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca với số tiền là 30 triệu USD. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu vắc-xin được nghiên cứu thành công thì VNVC sẽ là đơn vị được quyền mua vắc-xin sớm nhất. Ngược lại, nếu AstraZeneca không thành công đưa vắc-xin ra thị trường, VNVC sẽ mất trắng khoản tiền này và phải thêm chi phí đầu tư cho các nghiên cứu tiếp theo.
Bà Vũ Thu Hà, Giám đốc cung ứng VNVC chia sẻ, đây thực sự là quyết định rất rủi ro với một doanh nghiệp như VNVC, khi số tiền bỏ ra tương đương 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu may mắn, vắc-xin thành công thì Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên trong khu vực được tiêm chủng vắc-xin Covid-19, thêm vũ khí quan trọng phục vụ cuộc chiến chống dịch.
Tháng 2/2021, trong bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, những liều vắc-xin AstraZeneca đầu tiên về Việt Nam đã được VNVC trao cho Bộ Y tế kịp thời triển khai tiêm cho tuyến đầu chống dịch. Bản thân VNVC sẵn sàng tự chi trả toàn bộ chi phí đầu tư rủi ro, chi phí phát sinh cho quá trình vận chuyển, bảo quản vắc-xin ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Ngoài việc nỗ lực đàm phán cung ứng vắc-xin với các nhà cung cấp hàng đầu thế giới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, để có vắc-xin tiêm cho người dân nhiều, nhanh nhất có thể, chúng ta đã thực hiện đồng bộ việc mua và nhập khẩu, chuyển giao công nghệ để sản xuất trong nước. Trong đó, việc chuyển giao công nghệ để sản xuất vắc-xin trong nước có vai trò rất quan trọng.
Đến thời điểm hiện tại, vắc-xin Nano Covax của Công ty Nanogen đã vượt qua cửa Hội đồng Đạo đức nghiên cứu y sinh học quốc gia để chuẩn bị cấp phép, đưa vào sử dụng. Ông Hồ Nhân, Chủ tịch Nanogen cho hay, dù trải nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng không vượt qua được, song chỉ cần nghĩ tới việc người dân Việt Nam sẽ có một loại vắc-xin của mình, không phụ thuộc vào nước ngoài, doanh nghiệp lại có thêm động lực vượt qua khó khăn.
Còn với Nano Covax, vắc-xin Covivac do Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển đang thử nghiệm giai đoạn II. Dự kiến tới tháng 12/2021, nếu các kết quả thử nghiệm lâm sàng cho tín hiệu tích cực, vắc-xin này sẽ triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III và nếu mọi việc thuận lợi, đến năm 2022, chúng ta có thể có những lô vắc-xin Covivac đầu tiên ra thị trường.