Cần phải giải quyết ngay tình trạng nhiễm kháng sinh, nếu không ngành tôm Việt Nam sẽ “chết”
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú
Ngành tôm Việt Nam hiện đang lỗi ở hệ thống, sai ở cách tiếp cận và hướng đi. Phải khắc phục được tình trạng này mới mong con tôm Việt Nam đứng vững và gia tăng giá trị.
Việt Nam đang đi theo hướng tôm sạch bệnh, nhưng để được sạch bệnh, chúng ta phải dùng hóa chất để diệt hết vi khuẩn gây bệnh. Khi diệt được hết vi khuẩn gây bệnh đồng thời cũng diệt luôn cả các vi sinh vật có ích.
Tuy chúng ta dùng hóa chất diệt vi khuẩn có hại, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nguồn bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan ra diện rộng. Các hộ nuôi sẽ sử dụng kháng sinh, vì thế, rủi ro tôm Việt Nam nhiễm kháng sinh lớn. Tôm, cá bị nhiễm kháng sinh thì không thể bán trên thị trường quốc tế, nhất là Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Vì vậy, tôm của Việt Nam bị nhiễm kháng sinh là vấn đề nghiêm trọng, cần phải giải quyết ngay, nếu không ngành tôm của Việt Nam sẽ “chết”.
Nhìn ra thế giới, Ecuado chỉ có 170.000 héc-ta nuôi tôm (chưa bằng 1/3 diện tích nuôi tôm của Việt Nam), nhưng sản lượng tương đương với Việt Nam và đứng trong Top 5 các nhà sản xuất tôm lớn của thế giới. Họ tiếp cận theo hướng sản xuất tôm bố mẹ, sản xuất con giống kháng bệnh và nuôi tôm với mật độ thấp 10 - 30 con/m2, tận dụng năng lượng tự nhiên của nước, thủy triều và gió nên giá thành nuôi tôm của họ rất thấp, chỉ dưới 50.000 đồng/kg tôm loại 50 - 60 con/kg, năng suất đạt 1 - 2,5 tấn/héc-ta/vụ. Một năm, họ nuôi được 3 vụ, năng suất đạt 3 - 7,5 tấn/héc-ta/năm.
Cũng chính cách tiếp cận theo hướng kháng bệnh và nuôi tôm mật độ thấp của Ecuado mà ngành nuôi tôm của họ phát triển rất bền vững, thu lợi nhuận cao. Vì thế, trong 15 năm qua, họ không hề bị dịch bệnh (trong khi đó, tại Việt Nam, cứ 3 - 4 năm lại phát sinh một loại bệnh dịch mới) và sản lượng tôm của họ tăng đều từ 5 - 10%/năm.
Phát triển bền vững luôn là kim chỉ nam trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời
Tập đoàn Lộc Trời, tiền thân là CTCP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) tham gia ngành lương thực nhằm giúp người nông dân làm theo yêu cầu, sản xuất những gì thị trường cần chứ không phải những gì mình có sẵn.
Phát triển bền vững luôn là kim chỉ nam trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp của chúng tôi. Từ khâu nghiên cứu chọn tạo giống, sản xuất và kinh doanh nông dược theo hướng hữu cơ sinh học, hướng dẫn nông dân qui trình canh tác tiên tiến,... tất cả đều lấy phát triển bền vững làm nền tảng.
Chính vì vậy, chúng tôi đầu tư các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp (Định Thành, Đà Lạt…), xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật để đưa quy trình canh tác tiên tiến xuống nông dân. Doanh thu không phải là tất cả, tăng doanh thu nhưng phải dựa trên nền tảng bền vững.
Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu hàng trăm triệu USD thuốc bảo vệ thực vật. Với số thuốc được sử dụng, mức độ ô nhiễm môi trường là rất lớn. Bởi vậy bên cạnh việc bán hàng, DN còn có trách nhiệm đào tạo, phổ biến kiến thức để bà con nâng cao ý thức sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đầu tư để áp dụng bán quota khí thải. Hiện nay, sau khi thu hoạch lúa, rơm sẽ không được đốt mà được cắt nhỏ, phun thuốc vào để làm thành phân hữu cơ. Từ đó Công ty và bà con được cấp quota khí thải và bán được quota này ra thị trường. Chúng tôi đã được tổ chức SRP (Diễn đàn Nông nghiệp bền vững thế giới) kết nạp làm thành viên, do được đánh giá là đơn vị đang thực hiện chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững quy mô lớn tại Việt Nam.
Nếu thiếu minh bạch trong sản xuất, kinh doanh, việc thất bại trong lĩnh vực thực phẩm sạch là điều có thể đoán trước
Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH (TH True Milk)
Tổng chi phí trực tiếp và gián tiếp điều trị bệnh ung thư tại Việt Nam đã lên tới hơn 26.000 tỷ đồng/năm. Đọc những thông tin này tôi rất đau lòng. Khoa học đã chỉ ra nhiều nguyên nhân gây ung thư, một trong số đó được chỉ đích danh: đó là thực phẩm bẩn.
Điều thôi thúc tôi làm sữa từ năm 2008, chính là vì thị trường sữa cực kỳ thiếu minh bạch. Sữa bột nhập về pha lại chiếm đến 92% thị trường sữa nước, nhưng người dân cứ tưởng đó là sữa tươi, là sữa tốt nhất. Nguy hại hơn nữa, nếu trẻ em uống phải loại sữa nhập nhèm tiêu chuẩn, nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ và có thể bị nhiễm Melamin, thì hàng triệu quả thận sẽ bị phá hỏng. Nếu thị trường thiếu minh bạch và doanh nghiệp cũng thiếu minh bạch trong sản xuất, kinh doanh, việc thất bại trong lĩnh vực thực phẩm sạch là điều có thể đoán trước.
Giữa cơn bão thực phẩm bẩn hoành hành như thế này, nếu chúng ta vẫn giữ cách làm cũ, tư duy cũ thì rất khó thành công. Nghệ An vốn là mảnh đất "Gió Lào thổi rạt bờ tre", khí hậu vô cùng khắc nghiệt, không ai nghĩ có thể nuôi bò sữa – loài thích nghi với xứ lạnh. Vậy mà chỉ sau 14 tháng, chúng tôi đã xây dựng được trang trại bò sữa hiện đại và cho ra đời dòng sữa tươi sạch. Nếu không có tư duy vượt trội "đứng lên vai những người khổng lồ" như cường quốc nông nghiệp Israel, thì TH không thể có thành quả nhanh chóng đến như vậy.
Bất cứ ai muốn làm thực phẩm sạch mà không có tư duy vì cộng đồng, chỉ nghĩ lợi nhuận là trên hết, thì người đó sớm hay muộn cũng thất bại. Những doanh nghiệp, cá nhân chân chính phải có trách nhiệm làm ra thực phẩm sạch cho đồng bào mình.
Làm mới lại cây mía, hạt đường
Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS)
Đường sạch phải đảm bảo nhiều yếu tố, phải sạch từ trồng trọt cho đến công nghệ chế biến… Từ nhiều năm nay, Lam Sơn đã triển khai chương trình “Làm mới lại cây mía, hạt đường” với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Với đặc tính đất đai của miền bắc, diện tích trồng mía đang rất manh mún, nông dân không thể cơ giới hóa, đồng thời với tập quán trồng trọt của nông dân từ bao đời nay, chuyện áp dụng các giải pháp khoa học tiến bộ một cách đại trà không đơn giản, đồng nghĩa với năng suất không cao.
LSS có ngân hàng giống lên tới 370 loại, nhưng cứ đưa cho nông dân trồng ra ruộng được 3 năm là mất, bởi họ làm lẫn tạp giống. Trước thực trạng này, Lam Sơn đã làm giống mía cho người dân. Công ty đã đầu tư trung tâm giống công nghệ cao nuôi cấy mô, để mỗi năm làm ra 3 triệu cây giống, đáp ứng nhu cầu cho hơn 3.000 héc-ta. Thêm vào đó, LSS còn hướng dẫn cho nông dân cách tổ chức lại đồng ruộng thế nào, canh tác ra sao để tới đây có thể nâng năng suất lên 50%, chất lượng đường tăng 20%.
Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2020 phải thực hiện dồn điền đổi thửa để có ít nhất 50% diện tích trồng mía quy mô lớn. 30 nghìn hộ trồng mía hiện nay xuống còn 20 nghìn hộ và tiến tới chỉ còn 2.000 hộ, mỗi hộ phải có 5 héc-ta để có thể cơ giới hóa sản xuất.